Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, huyện A Lưới là vùng chiến khu cách mạng, đồng thời phải gánh chịu hậu quả tàn khốc của chiến tranh. Nơi đây, nhiều tên đất, tên làng gắn liền với những trận đánh oai hùng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như: Đèo Mẹ Ơi, suối Máu, đồi A Bia... Trong chiến tranh, đồng bào các dân tộc nơi đây đã đoàn kết, kiên cường, dũng cảm phục vụ chiến đấu; khi đất nước hòa bình lại chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 |
Thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, TP Huế. Ảnh: VÕ THẠNH
|
Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua A Lưới, cùng mạng lưới hàng trăm ki-lô-mét đường nhựa, đường bê tông đến tận các thôn, bản tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Đói nghèo, lạc hậu đã lùi bước, nhường chỗ cho những nếp nhà khang trang và khát vọng vươn lên trong mỗi người dân. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn áp dụng các mô hình kinh tế “vườn-ao-chuồng-rừng”, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ví dụ, tại xã Quảng Nhâm, mô hình trồng cây dược liệu quý như sâm bố chính, cà gai leo, gấc lai đen... đang phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp hơn 100 hộ dân có nguồn thu nhập ổn định. Gia đình anh Hồ Văn Tú ở thôn Pi Ây 1, xã Quảng Nhâm là một điển hình. Từ 2ha sâm bố chính ban đầu, sau 5 năm, anh đã mở rộng lên 5ha. Với sản lượng và giá bán ổn định, vườn sâm đã giúp gia đình anh thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống khấm khá. Anh Tú phấn khởi cho biết: “Trồng sâm bố chính cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với các loại cây khác. Đây thực sự là hướng đi giúp bà con mình đổi đời”.
Nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến 2025 và thực hiện kế hoạch phát triển dược liệu giai đoạn 2021-2025, huyện A Lưới đang thực hiện Dự án “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý” với tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng. Dự án được triển khai thực hiện tập trung ở các xã Hồng Bắc, Quảng Nhâm và một số xã khác với các loại cây quý như: Ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện... Các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng được đầu tư đồng bộ, kiên cố hóa, bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp. Cùng với đó, nhờ các giải pháp đồng bộ, kỹ năng, trình độ lao động sản xuất, canh tác, chăn nuôi của người dân được nâng cao, khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên đáng kể. Các ngành nghề và dịch vụ cũng phát triển, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch UBND huyện A Lưới chia sẻ: “Từ những nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà, A Lưới đã ghi dấu ấn quan trọng trên hành trình phát triển khi tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 49,98% (năm 2021) xuống còn 14,34% (cuối năm 2024). Diện mạo nông thôn khởi sắc với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người cũng có sự tăng trưởng vượt bậc, từ 27,5 triệu đồng/người/năm (năm 2021), đến nay đã đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm”.
Từ vùng đất chịu nhiều đau thương do chiến tranh, từng là một trong những huyện nghèo của cả nước, A Lưới đã vươn mình mạnh mẽ nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ý chí tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và người dân. Sự nỗ lực ấy đã được ghi nhận bằng việc huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo vào ngày 6-9-2024. Những thành quả hôm nay là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên của người dân A Lưới dưới sự lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền. Với sự quyết tâm cao, những bước đi vững chắc, chắc chắn A Lưới sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên con đường phát triển, xứng đáng là điểm sáng trên bản đồ kinh tế-xã hội của TP Huế, viết tiếp những trang sử hào hùng trên vùng đất cách mạng.
Bài và ảnh: HUY CƯỜNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.