Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính về các giải pháp thực hiện nhiệm vụ này.
 |
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. |
Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, năm 2021 là một năm nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, đây là một năm mà thu NSNN hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Bộ trưởng có thể cho biết những giải pháp để đạt được kết quả này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Như chúng ta đã biết, từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội (KT-XH) cả trong nước và trên thế giới. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ tư bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước ta (GDP năm nay tăng 2,58%, thấp hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm là khoảng 6-6,5%); sức chống chịu cũng như nguồn lực của doanh nghiệp và người dân giảm sút mạnh, tạo sức ép rất lớn đến nguồn thu NSNN. Tuy vậy, kết quả thu NSNN năm 2021 vẫn vượt dự toán. Đến ngày 30-12-2021 đạt 1.545.060 tỷ đồng, đạt 115,03%; thuế, phí vượt năm 2020 khoảng 7%.
Đạt được kết quả trên, tôi cho rằng trước hết là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; cùng với những yếu tố thuận lợi trong phát triển kinh tế những tháng đầu năm 2021, đã góp phần bù đắp phần giảm thu do dịch bệnh, tạo đà cho nguồn thu ngân sách cả năm 2021.
Trong quá trình chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp điều hành thu NSNN chủ động, linh hoạt, tập trung, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, cụ thể:
Bộ đã kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân như các thông tư, nghị định, nghị quyết, quyết định... về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất trong năm 2021; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch; về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch; giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước... Đến nay, tổng số tiền gia hạn, miễn, giảm khoảng 117 nghìn tỷ đồng (trong đó thực hiện miễn, giảm hơn 24,2 nghìn tỷ đồng).
Bộ đã triển khai đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, kích hoạt khai trương hóa đơn điện tử có mã nhằm tránh hóa đơn giả, trục lợi thuế. Tổ chức bộ phận trực bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế.
Bộ đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan phối hợp với các ngành, địa phương triển khai quyết liệt công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, chuyển giá, trốn thuế; ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả; tăng cường thu hồi nợ đọng thuế bảo đảm thu đúng, đủ và kịp thời.
Năm 2021, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiến nghị tăng thu 10,33 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 32,8 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ 2,2 nghìn tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã thanh tra, kiểm tra, kiến nghị truy thu 0,3 nghìn tỷ đồng, truy thu qua công tác chống gian lận thương mại khoảng 1,46 nghìn tỷ đồng...
 |
Người dân tại TP Hà Nội thực hiện thủ tục nộp thuế (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: VIẾT CHUNG |
PV: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về những giải pháp tập trung khắc phục thất thu thực tế và thất thu tiềm năng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thứ nhất, đối với giải pháp khắc phục thất thu thực tế: Hiện nay, Bộ Tài chính xác định, tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế.
Bộ tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách liên quan đến tiền thuê đất; mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; miễn, giảm thuế, các loại phí, lệ phí trong các lĩnh vực chứng khoán, vận tải hành khách, hàng không; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước... nhằm động viên kịp thời nguồn lực cho NSNN và hỗ trợ tối đa đối với doanh nghiệp, hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do tác động của đại dịch.
Bộ chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống chuyển giá, trốn thuế, chống trục lợi thuế qua hoàn thuế, chống gian lận thuế trên thị trường chứng khoán, trên giao dịch bất động sản. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách Trung ương (NSTƯ), ngân sách địa phương (NSĐP).
Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với chính quyền, ban, ngành, các cơ quan chức năng triển khai thực hiện quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.
Về công tác quản lý nợ thuế, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng, bảo đảm xử lý tối đa số tiền thuế này.
Thứ hai, đối với các khoản thu tiềm năng, đặc biệt là các khoản thu trên nền tảng số, TMĐT: TMĐT xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu. Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ tháng 7-2020; tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5-12-2020 để quản lý thuế với giao dịch TMĐT và kinh doanh số.
Những quy định pháp luật này đã đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT; tập trung chỉ đạo, đấu tranh quyết liệt việc thu thuế qua sàn TMĐT, các nhà mạng, nền tảng số một cách hiệu quả; kiểm tra, xử lý mạnh việc chuyển giá, trốn thuế, hoàn thuế sai, xuất nhập khẩu; tăng cường chống trốn thuế đối với giao dịch bất động sản, chuyển nhượng nhà của tư nhân và các lĩnh vực tiềm năng khác.
PV: Thưa Bộ trưởng, để hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 thì chi tiêu tiết kiệm, hợp lý là rất quan trọng, nhất là việc phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường. Bộ đã có những giải pháp nào để thực hiện tốt việc chi ngân sách năm 2021 và sẽ thực hiện chi năm 2022?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đối với năm 2021, trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, thu NSNN năm 2021 tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi tăng chi lớn cho phòng, chống dịch và nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Ngay từ khi xây dựng dự toán chi năm 2021, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiết kiệm 10% chi thường xuyên để dành nguồn chi lương. Trong tổ chức điều hành, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2021, bảo đảm chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Bộ Tài chính đã đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chế độ, chính sách chi NSNN cho phòng, chống dịch, bảo đảm nguồn kinh phí mua vaccine tiêm phòng Covid-19 cho nhân dân; yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết. Bộ đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của NSTƯ năm 2020 để mua vaccine; bổ sung dự phòng NSTƯ 14,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi NSTƯ năm 2021, đồng thời tập trung nguồn dự phòng NSTƯ bố trí trong dự toán đầu năm để chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 để huy động nguồn tài trợ, hỗ trợ, dùng để mua vaccine tiêm phòng cho người dân. Đến nay, quỹ đã huy động được 8,8 nghìn tỷ đồng.
Nhờ chủ động trong điều hành, NSNN đã đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn.
Bước sang năm 2022, dự báo tình hình quốc tế, trong nước còn có nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 có thể kéo dài, phức tạp. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính xác định nguyên tắc, định hướng quản lý chi NSNN trong năm 2022 như sau:
Thứ nhất, bố trí chi thường xuyên theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định nhưng yêu cầu triệt để tiết kiệm gắn với tinh gọn bộ máy, nâng cao tự chủ đơn vị sự nghiệp công phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với các nhiệm vụ chi thường xuyên của NSNN (cắt giảm ngay từ khâu dự toán 10% chi thường xuyên ngoài quỹ lương và chi cho con người của các cơ quan hành chính nhà nước so với năm 2021; cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các nhiệm vụ mua sắm, đi công tác, tổ chức hội nghị...) để tập trung tối đa nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu.
Thứ hai, tiếp tục duy trì cơ cấu chi NSNN ở mức tích cực; tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 29,5% tổng chi NSNN (dự toán năm 2021 là 28,3%), bảo đảm nguyên tắc chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN; tỷ trọng chi thường xuyên dưới 63% tổng chi NSNN, qua đó hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế trong năm tới.
Đẩy mạnh cơ cấu lại chi đầu tư công, tập trung vào các nút thắt, các ưu tiên chiến lược. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tránh thất thoát, lãng phí, phát huy vai trò đầu tư công làm vốn mồi để thu hút các nguồn lực xã hội.
Thứ ba, bố trí hợp lý dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Thứ tư, nghiên cứu huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn từ NSNN để triển khai gói kích thích kinh tế và gói tài khóa theo chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả chi NSNN, chống thất thoát, lãng phí; thực hành tiết kiệm; xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn NSNN.
PV: Năm 2022, dự kiến nền kinh tế tiếp tục bị tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã có kế hoạch tham mưu cho Chính phủ những giải pháp nào để có những gói kích thích nền kinh tế?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Dịch Covid-19 tiếp tục tác động nghiêm trọng đến đời sống KT-XH. Trước tình hình đó, tại kết luận Hội nghị lần thứ 3 và 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, cùng với việc yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân, còn đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KT-XH nhằm giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tạo nền tảng để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng KT-XH của cả giai đoạn.
Triển khai kết luận nêu trên của Trung ương, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và đề án chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện chương trình; dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường sắp tới.
Dưới góc độ tài chính-NSNN, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các giải pháp tài khóa để hỗ trợ chương trình; trong đó tập trung vào các giải pháp thu, chi NSNN và bảo đảm nguồn lực thực hiện với quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách; được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời; nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay; như:
(1) Thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; tiếp tục gia hạn thời gian nộp các khoản thuế và tiền thuê đất của năm 2022.
(2) Bổ sung vốn đầu tư cho nền kinh tế để hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp Trung ương và kết cấu hạ tầng.
(3) Giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, lao động và việc làm thông qua hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; các gói tín dụng chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, cho cá nhân vay thuê hoặc mua nhà ở xã hội; cho học sinh, sinh viên vay mua máy tính, thiết bị học trực tuyến...
(4) Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thông qua các gói hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng này.
(5) Xây dựng gói kích cầu lớn để xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình quan trọng cần thiết và các lĩnh vực giúp phục hồi, tăng trưởng nhanh KT-XH.
Chúng tôi tin tưởng, các chính sách tài khóa nêu trên cùng với các chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác sẽ mang đến những kết quả tích cực.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
NGUYỄN ANH (thực hiện)