Việc hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng sau dịch Covid-19 là tín hiệu tốt cho ngành hàng không. Bên cạnh đó, ngành hàng không cũng cần có các giải pháp tích cực, đồng bộ khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến.

Hàng không thế giới khủng hoảng vì quá tải

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhiều nước trên thế giới lại chứng kiến cuộc khủng hoảng của ngành hàng không. Do khó khăn trong thời gian dài vì ảnh hưởng của đại dịch, nhân sự ngành hàng không bị cắt giảm từ phi công, tiếp viên, kỹ thuật viên đến nhân viên sân bay; đến nay, khi lượng khách tăng cao lại không đủ người để phục vụ. Ngành hàng không phục hồi nhanh nhưng lực lượng nhân sự không quay trở lại kịp và gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến hàng loạt từ tháng 5-2022 đến nay tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Có những chuyến bay bị chậm hàng chục giờ, hàng nghìn chuyến bay bị hủy vì cảng hàng không, sân bay thiếu nhân sự phục vụ mặt đất, một số hãng thiếu phi công, tiếp viên.

Hướng dẫn máy bay vào vị trí đỗ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: PHAN CÔNG 

Tốp 10 sân bay có tỷ lệ chậm chuyến nhiều nhất thế giới trong mùa hè năm 2022 có thể kể đến như: Sân bay quốc tế Toronto Pearson (Canada) tỷ lệ chậm chuyến 52,5%; sân bay Frankfurt (Đức) 45,4%; sân bay Paris Charles de Gaulle (Pháp) 43,2%; sân bay Amsterdam Schiphol (Hà Lan) 41,5%; sân bay London Gatwick (Vương quốc Anh) 41,1%... Bên cạnh đó, các sân bay bị hủy chuyến nhiều nhất có sân bay quốc tế Bảo An Thâm Quyến (Trung Quốc) tỷ lệ hủy chuyến là 7,9%; sân bay quốc tế Newark Liberty (Mỹ) 7,4%; sân bay LaGuardia (Mỹ) 7%; sân bay quốc tế Toronto Pearson (Canada) 6,5%; sân bay quốc tế Soekarno-Hatta (Indonesia) 6,2%...

Tăng tỷ lệ bay đúng giờ, hạn chế chậm, hủy chuyến

Tại Việt Nam, mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành hàng không rất nặng nề, tuy nhiên không có tình trạng cắt giảm nhân sự ồ ạt. Một số hãng hàng không vẫn kiên trì bảo toàn nguồn nhân lực, không buộc thôi việc, chỉ giảm lương để duy trì hoạt động. Trước hiện tượng còn một số chuyến bay bị chậm giờ, hủy chuyến, PGS, TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, cho rằng đi kèm với mỗi chuyến bay là nhiều dịch vụ khác nhau như xăng dầu, suất ăn, bốc dỡ hàng hóa, xe buýt sân bay, ống lồng, xe thang, vệ sinh khoang hành khách, băng chuyền, an ninh, thủ tục hàng không, vận hành cất hạ cánh...

Những doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ này cũng đều bị tổn thương trong dịch Covid-19 vừa qua, thiếu nhân lực, ảnh hưởng nhất định tới chất lượng phục vụ. Trong khi đó, tất cả các khâu đều phải hoạt động đồng bộ, nhịp nhàng, khẩn trương. Chỉ một mắt xích trong chuỗi dịch vụ này gặp vấn đề sẽ dẫn đến tình trạng chậm chuyến bay, kéo theo hàng loạt phát sinh khác, đặc biệt là chậm dây chuyền ở sân bay kế tiếp. "Ở điều kiện bình thường, tỷ lệ bay đúng giờ bình quân của hàng không thế giới cũng chỉ khoảng 70%. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn và khách bay tăng đột biến, thời gian qua, ngành hàng không Việt Nam đã nỗ lực để hạn chế thấp nhất tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay", PGS, TS Nguyễn Thiện Tống nhìn nhận.

Bên cạnh đó, PGS, TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, không nên đặt vấn đề cắt giảm chuyến bay, hay giảm slot bay (giờ cất hạ cánh) bởi không hãng bay nào muốn xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến vì họ sẽ bị thiệt hại đầu tiên, cả về kinh tế và uy tín với hành khách. Cùng chung quan điểm, TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho hay, nếu bị chậm chuyến, hãng hàng không sẽ bị thiệt hại lớn nhất nên hãng nào cũng muốn kéo giảm tỷ lệ chậm chuyến. Với ngành hàng không, ưu tiên cao nhất là an toàn, hiện nay, chúng ta vẫn đang áp dụng một số biện pháp quản lý bay để chủ động phòng, chống dịch bệnh nên phát sinh một số thủ tục bay.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới việc chậm chuyến của hàng không là tình trạng quá tải của hạ tầng hàng không. Để khắc phục tình trạng này, theo ý kiến một số chuyên gia, cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không, sân bay, trong đó chú trọng xã hội hóa, thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế. Vốn đầu tư tư nhân sẽ giúp tăng năng lực cho hạ tầng sân bay, đồng thời, việc tham gia quản lý điều hành cũng giúp cho hoạt động khai thác sân bay hiệu quả hơn. Cùng với đó, hàng loạt dịch vụ cung cấp thuộc hệ sinh thái hàng không cũng sẽ được đa dạng hóa để tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng. Nhanh chóng mở rộng hạ tầng và xây dựng quy trình quản lý cảng hàng không, sân bay khoa học, hợp lý trong một sân chơi bình đẳng với quy định, lộ trình rõ ràng sẽ là cơ sở để ngành hàng không Việt Nam hạn chế được tối đa tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến.

Trong tháng 7-2022, tháng cao điểm với lượng khách đông nhất của hàng không Việt Nam nhiều năm gần đây, các chuyến bay cất cánh đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam đạt 27.185 trên tổng số 33.238 chuyến, chiếm tỷ lệ 81,8%. Trong đó, các chuyến bay chậm chuyến là 6.053, chiếm tỷ lệ 18,2%, tăng 16% và có 41 chuyến bay bị hủy, chiếm 0,12%, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021. Lý do hủy chuyến chủ yếu vì yếu tố kỹ thuật, việc khai thác tại các cảng hàng không và các lý do khác ngoài thời tiết (nguồn: Cục Hàng không Việt Nam).

BẢO LINH