Cần sớm ban hành luật
Qua điều tra thực tế tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, do cách thức quản lý, trình độ quản lý còn yếu nên hầu hết các công trình thủy lợi do nhà nước và nhân dân cùng làm đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không phát huy hiệu quả, thiếu an toàn, xuống cấp nhanh gây lãng phí. Theo đánh giá của một số chuyên gia về thủy lợi và thực tế khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại một số tỉnh miền Trung và miền Nam, hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi chỉ đạt được khoảng 60-70% so với công suất thiết kế. Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải sớm có Luật Thủy lợi.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Văn Hoan, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắc Lắc, cho rằng: Mặc dù chúng ta đã có Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi và các nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ nhưng thực tế cho thấy, việc triển khai lâu nay chưa nghiêm, nhất là trong xử lý vi phạm an toàn hồ, đập, trong khai thác và sử dụng nguồn nước từ công trình thủy lợi. Đơn cử như trong số 306 công trình thủy lợi công ty đang quản lý, khai thác, thì hầu hết công trình bị vi phạm an toàn. "Vấn đề về quy hoạch thủy lợi gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp cần được cụ thể hóa trong Luật Thủy lợi. Trách nhiệm, quyền lợi của doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi cũng nên đề cập rõ hơn. Đặc biệt, phải có chế tài xử lý nghiêm nhằm điều chỉnh những hành vi gây mất an toàn hồ, đập, sử dụng nguồn nước lãng phí; nâng cao trách nhiệm của chính quyền, của cơ quan chức năng trong việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực thủy lợi", ông Hà Văn Hoan cho hay.
Dự thảo Luật Thủy lợi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường-đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo-dự thảo Luật Thủy lợi có rất nhiều điểm mới nổi bật. Đó là chuyển từ phí thủy lợi sang giá dịch vụ thủy lợi; bổ sung nhiều quy định theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các công trình thủy lợi, đặc biệt các công trình có quy mô nhỏ. Đáng chú ý, Luật Thủy lợi sẽ phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương; quy định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động về lĩnh vực thủy lợi. Từ đó không chỉ tinh giản được bộ máy cồng kềnh mà còn tạo cú hích trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng các công trình thủy lợi, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Công trình hồ thủy lợi Krông Pắc Thượng, huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc.
Nên cụ thể hóa những ưu đãi và chế tài xử phạt ngay trong luật
Ông Trần Đức Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho rằng: Luật Thủy lợi cần cụ thể hóa các chế tài xử lý vi phạm trong sử dụng nguồn nước lãng phí. Mặt khác, lâu nay, kinh phí đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, nhất là thủy lợi lớn và vừa đều do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Trong khi đó, việc miễn giảm thủy lợi phí lại thực hiện “đại trà” nên đã tạo áp lực lớn cho ngân sách Nhà nước, nhất là trong giai đoạn nguồn thu ngân sách gặp khó khăn, nợ công tăng như hiện nay. Nên chăng, Luật Thủy lợi cần quy định xã hội hóa trong đầu tư xây dựng thủy lợi, việc miễn giảm thủy lợi phí chỉ dành cho hộ nghèo, hộ dân vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh kinh tế thị trường, Luật Thủy lợi cũng cần xây dựng theo hướng tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi, bảo đảm sự công bằng trong sử dụng nguồn nước và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng: Tại dự thảo Luật Thủy lợi đã đề cập đến việc chuyển từ phí sang giá dịch vụ thủy lợi, sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”, giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất, góp phần nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nước... Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tỏ ra băn khoăn, nếu thực hiện bài toán về giá dịch vụ thủy lợi thì vấn đề giá phí, bài toán tài chính cho giá dịch vụ thủy lợi sẽ được tính toán như thế nào? Theo bà Thúy Anh, trong luật phải có lộ trình cụ thể trong thu giá dịch vụ thủy lợi để bảo đảm sự đồng thuận của người dân.
Quan điểm xã hội hóa, khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các công trình thủy lợi là cần thiết, tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý rằng, những điều khoản quy định chính sách hỗ trợ về giá phải cụ thể hơn nữa. Để thu hút cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư, luật cần có cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, tín dụng với mục tiêu là phải làm sao để hạ giá thành dịch vụ thủy lợi.
Để việc tái cơ cấu thủy lợi ở Tây Nguyên được thực hiện một cách hiệu quả thì cần có những cách nhìn, cách làm mới trong việc quy hoạch, phát triển thủy lợi. Và những vấn đề ấy cần được cụ thể hóa trong dự thảo Luật Thủy lợi.
Nhóm phóng viên KINH TẾ-XÃ HỘI-NỘI CHÍNH