Mặc dù ngành thủy lợi đã có đóng góp quan trọng, đưa Tây Nguyên trở thành vùng chuyên canh lớn của cả nước về cà phê, hồ tiêu, lúa nước, ngô và phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, nhưng qua đánh giá tổng thể, thủy lợi vùng Tây Nguyên còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững.

Thiếu các công trình trọng điểm

Bất cập lớn nhất của hệ thống thủy lợi vùng Tây Nguyên lâu nay là thiếu các công trình thủy lợi trọng điểm và năng lực tưới còn hạn chế. Theo thống kê, hiện Tây Nguyên có 2.261 công trình thủy lợi, với tổng dung tích đạt khoảng hơn 1,5 tỷ mét khối, nhưng dung tích hữu ích chỉ đạt khoảng gần 1,3 tỷ mét khối; bảo đảm nước tưới cho 112.627ha cây trồng các loại. Tuy vậy, hiện mới chỉ đạt 17,6% tổng diện tích cây trồng cần tưới toàn vùng. Như vậy, Tây Nguyên còn tới 82,4% diện tích cây trồng cần nước tưới nhưng không được bảo đảm từ công trình thủy lợi mà chủ yếu dựa vào nguồn nước tự nhiên (sông, suối và nước ngầm). Ông Trần Đức Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Diện tích rừng ở Tây Nguyên đang bị suy giảm. Kết quả kiểm kê rừng tại Tây Nguyên giai đoạn 2013-2016 được công bố mới đây cho thấy, hiện toàn vùng có 2.567.116ha rừng, trong đó có 2.253.809ha rừng tự nhiên. So với kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng năm 2008 theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5-12-2005 của Thủ tướng Chính phủ thì diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên giảm 385.797ha, kéo theo tỷ lệ độ che phủ rừng từ 51,1% năm 2008 giảm xuống còn 45,8% năm 2015. Hậu quả của việc mất rừng là mưa lũ về đột ngột, dòng chảy sông, suối bị thay đổi, mực nước mặt cũng như nước ngầm ngày một xuống thấp. Không còn rừng, nguồn nước về các hồ thủy lợi không bảo đảm như thiết kế ban đầu. Chính vì vậy, dung tích thực chứa của hệ thống hồ thủy lợi Tây Nguyên những năm gần đây thường chỉ đạt 70-80% dung tích thiết kế. Thậm chí nhiều hồ chỉ đạt 50% nên không có khả năng chống hạn khi xảy ra hạn hán.

Khó khăn trong phát triển thủy lợi vùng Tây Nguyên, đó là nhu cầu nước ngày càng tăng nhưng khả năng cung cấp nước của các công trình thủy lợi ngày càng hạn chế. Đánh giá chung về mức độ an toàn, ngoài một số hồ đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp trong những năm qua nên bảo đảm an toàn, các hồ chứa còn lại (nhất là các hồ có dung tích nhỏ hơn 5 triệu mét khối nước) đều được xây dựng từ khoảng năm 1960 đến 1980, chất lượng thi công không tốt; việc duy tu, bảo dưỡng không được quan tâm thích đáng nên công trình bị xuống cấp nghiêm trọng. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên quá trình đầu tư phát triển thủy lợi chưa tương xứng với quá trình phát triển nông nghiệp. Phần lớn là công trình nhỏ, hiệu quả tưới bấp bênh, thiếu chủ động nguồn nước.

Điển hình như tại Đắc Lắc, mặc dù là tỉnh dẫn đầu vùng Tây Nguyên về diện tích cà phê, lúa nước và ngô nhưng theo ông Mai Trọng Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thì hệ thống công trình thủy lợi hiện có cùng với các nguồn nước từ sông, suối, ao hồ, nước ngầm của tỉnh chỉ bảo đảm nước tưới cho khoảng 76% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Ông Hà Văn Hoan, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắc Lắc lo ngại: Trong tổng số 306 công trình thủy lợi công ty đang quản lý, bảo đảm tưới cho 60.000ha cây trồng, đến nay 100% công trình cần phải sửa chữa, tu bổ, nâng cấp.

Cũng giống như tỉnh Đắc Lắc, nói về vấn đề đang đặt ra đối với hệ thống thủy lợi trên địa bàn, ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Nông cho biết: Toàn tỉnh hiện có 206 công trình thủy lợi. Phần lớn công trình thuộc quy mô vừa và nhỏ, được xây dựng từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, nay đã xuống cấp.

leftcenterrightdel
Hồ thủy lợi Buôn Bua (huyện Cư Jut, tỉnh Đắc Nông) khô kiệt. Ảnh: MINH MẠNH 

Nước đã thiếu còn lãng phí 

Hệ thống thủy lợi vùng Tây Nguyên không những yếu về năng lực mà còn thiếu đồng bộ trong quá trình đầu tư xây dựng. Bà Phan Thu Hiền, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắc Lắc lấy ví dụ: Ngay cả một số công trình thủy lợi lớn, mới được đầu tư xây dựng trên địa bàn Đắc Lắc cũng tồn tại những bất cập, ví dụ như hồ chứa nước Ea Súp Thượng, Krông Búc Hạ và Krông Pách Thượng. Mặc dù công trình đầu mối đã hoàn thiện nhưng hệ thống kênh mương chưa được đầu tư đồng bộ, khiến nguồn nước bị lãng phí, hiệu quả công trình không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, mùa khô 2015-2016, mặc dù trong hồ chứa của các công trình trên tích trữ được nước nhưng không có kênh mương dẫn nước đến các vùng sản xuất, nên dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn nước. Đó là chưa kể do tập quán canh tác lạc hậu, nhiều hộ nông dân Tây Nguyên còn áp dụng phương pháp tưới thủ công rất lãng phí nguồn nước. Diện tích cà phê toàn vùng Tây Nguyên hiện nay là 573.000ha, nhưng tỷ lệ được áp dụng tưới tiết kiệm chỉ chiếm khoảng 10%, còn tới 90% diện tích cà phê vùng này tưới “dí gốc” và tưới tràn, dẫn đến tưới dư thừa, lãng phí nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hạn hán xảy ra ở Tây Nguyên trong thời gian vừa qua thêm khốc liệt, gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng.

Đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi vùng Tây Nguyên cũng như vấn đề áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp đang đặt ra hết sức cấp bách. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, hạn hán xảy ra liên tiếp thì chỉ khi nào chủ động được nguồn nước tưới từ hệ thống thủy lợi, Tây Nguyên mới có một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên KINH TẾ-XÃ HỘI-NỘI CHÍNH