Tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế ven sông

Với chiều dài 256km, đi qua các địa phương: Tây Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh rồi đổ ra Biển Đông, sông Sài Gòn có lợi thế tự nhiên lớn về giao thông, vận tải thủy, du lịch và phát triển đô thị xanh.

Từ thế kỷ 19, sông Sài Gòn có những thương cảng sầm uất, cửa ngõ xuất khẩu 75% hàng hóa của khu vực Đông Dương, kết nối Sài Gòn-Gia Định với thế giới. Các cảng như Cát Lái, Tân Thuận tấp nập tàu thuyền, thúc đẩy việc giao thương, buôn bán.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, hành lang ven sông bị khai thác manh mún, đô thị hóa phát triển mạnh, dân số tăng nhanh tạo áp lực, ảnh hưởng đến ô nhiễm, thu hẹp dòng chảy, cảnh quan bị phá vỡ, trong khi quy hoạch tổng thể chưa có khiến tiềm năng sông Sài Gòn bị “ngủ quên” giữa lòng đô thị.

Đô thị TP Hồ Chí Minh hai bên sông Sài Gòn thuộc TP Thủ Đức và quận 1 phát triển hiện đại, mở ra không gian, động lực tăng trưởng mới. Ảnh: TUẤN HUY

Trong những năm gần đây, với tư duy về quản trị đô thị được đổi mới và quyết tâm chính trị lớn của chính quyền TP Hồ Chí Minh, tiềm năng và lợi thế của sông Sài Gòn (gần 80km) đã được đánh thức ở các góc độ: Quy hoạch, hạ tầng ven sông, sự kiện, lễ hội văn hóa sông nước, công trình kết nối, giao thông thủy...

Thành phố đã có những chương trình, kế hoạch để cải thiện môi trường nước, di dời nhà ven kênh, rạch, xây dựng đường, kè ven sông, rạch... Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với dự án đường ven sông Sài Gòn dài khoảng 78km, quy mô 4-8 làn xe, kết nối từ Củ Chi tới Cần Giờ. Trong đó, đoạn trọng điểm từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn dài gần 4km, vốn đầu tư khoảng 3.380 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2025-2030.

Tuyến buýt đường sông đã hoạt động đáp ứng nhu cầu đi lại, thưởng ngoạn phong cảnh hai bên bờ sông của du khách và người dân. Các lễ hội sông nước của ngành du lịch kết hợp với văn hóa, thể thao đã tạo nên nét độc đáo, thu hút hàng trăm nghìn người dân và du khách tham gia, mang lại nguồn thu du lịch lớn chưa từng có, định hình những bản sắc, loại hình kinh tế mới phát triển sôi động.

Theo Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, trên thế giới, những thành phố có văn hóa lớn nổi tiếng đều gắn bó với dòng sông và họ quan tâm tới việc quy hoạch, phát triển đôi bờ. Paris (Pháp) có sông Seine, Washington (Hoa Kỳ) có dòng Potomac, Thượng Hải (Trung Quốc) có sông Hoàng Phố... Sông Sài Gòn rất đẹp, nhưng câu chuyện để phát triển nó gắn với đô thị sông nước còn rất chậm, nhất là công tác quy hoạch chưa theo kịp, chưa hướng đến khai phá tiềm năng du lịch, kinh tế bằng việc quy hoạch, phát triển đô thị sông nước. 

Sông Sài Gòn - trục phát triển, động lực tăng trưởng mới

TP Hồ Chí Minh hiện đang định hướng phát triển đô thị sông nước, lấy hành lang sông Sài Gòn làm điểm tựa. Quy hoạch tổng thể xác định đây là trục cảnh quan-kinh tế-sinh thái, kết nối giữa trung tâm thành phố với TP Thủ Đức, quận 7, huyện Nhà Bè, Củ Chi và cả vùng Đông Nam Bộ.

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, để khai thác, đánh thức tiềm năng sông Sài Gòn thì điều cần làm hiện nay là sớm có quy hoạch đô thị hai bên bờ sông, quy hoạch giao thông gắn với sông Sài Gòn. Thành phố cần tạo được không gian xanh, không gian công cộng liên hoàn, người dân có thể di chuyển tham quan, đi lại dọc hai bên bờ sông. Phát triển hạ tầng giao thông đa phương tiện, có tích hợp và kết nối hài hòa giữa giao thông thủy-bộ, công trình phục vụ giao thông như bến, cảng, bãi đỗ xe... tạo điều kiện để người dân di chuyển thuận lợi giữa các loại hình giao thông. Điều đó sẽ tạo điều kiện để khai thác tiềm năng du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, hai bên sông Sài Gòn đã hình thành nhiều khu vực phát triển năng động như: Thủ Thiêm, Vinhomes Central Park, bán đảo Thanh Đa, khu đô thị Bình Quới-Trường Thọ, Thạnh Mỹ Lợi... Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, đôi bờ sông vẫn chưa có sự kết nối chiến lược, thiếu quy hoạch đồng bộ về kiến trúc, giao thông, hạ tầng du lịch, kinh tế và văn hóa. Khu vực Thủ Thiêm ở bờ Đông sông Sài Gòn hiện nay dù đã được quy hoạch nhưng việc hiện thực hóa các dự án còn chậm, chưa tương xứng với trung tâm hiện hữu. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng: Khai thác tốt sông Sài Gòn không chỉ là phát triển bất động sản ven sông mà cần hướng đến các trục kinh tế xanh, bền vững. Kinh tế đêm, du lịch đường thủy, giao thông thủy nội địa, các bến bãi logistics hiện đại, công viên văn hóa-sinh thái ven sông... là những hệ sinh thái có thể tạo cú hích cho nền kinh tế đô thị. Đặc biệt cần có cú hích để phát triển bán đảo Thủ Thiêm và Bình Quới-Thanh Đa nhằm phát triển không gian xanh, văn hóa, sinh thái, biến nơi đây trở thành sức hút mạnh mẽ của đầu tư và du lịch, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, sông Sài Gòn nối dài từ tỉnh Bình Dương, theo định hướng sáp nhập sắp tới sẽ mở ra không gian liền mạch, không gian phát triển cho sông Sài Gòn.

Do đó cần tính toán việc quy hoạch, khai thác quỹ đất, phát triển giao thông thủy-bộ để tăng cường kết nối, phát triển du lịch, kinh tế, phục vụ đi lại của người dân. Công tác quy hoạch, quản lý cũng cần tính toán để kết nối hai cực phát triển của Bình Dương và TP Hồ Chí Minh theo trục sông Sài Gòn, tạo ra một vùng đại đô thị ven sông bền vững, vừa hiện đại vừa có chiều sâu văn hóa-sinh thái.

Thành phố đang hướng đến phát triển quy hoạch hai bên bờ sông Sài Gòn như một “hành lang” kinh tế-văn hóa-sinh thái. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thành phố cần một cú hích chính sách, các giải pháp đủ mạnh về quy hoạch, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), xã hội hóa hạ tầng ven sông, phát triển các tuyến giao thông thủy kết nối xuyên tâm đô thị.

Cần đánh giá cụ thể các lĩnh vực kinh tế gắn với sông Sài Gòn như: Kinh tế đêm, du lịch, logistics... từ đó có giải pháp khai thác, phát huy đồng bộ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, việc giữ gìn cảnh quan, bản sắc văn hóa và sự hài hòa sinh thái cũng cần được chú trọng khi triển khai các dự án hạ tầng, đô thị ven sông. Qua đó giúp sông Sài Gòn có thể trở thành “động mạch sống”, trục tăng trưởng mới giúp TP Hồ Chí Minh bứt phá, trở thành thành phố bên sông giàu bản sắc, năng động nhất châu Á.

Bài và ảnh: SỸ BẮC - BẢO MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.