Quy hoạch: Thủy lợi cần gắn với cây trồng

Hiện trạng thủy lợi vùng Tây Nguyên cho thấy, việc quy hoạch thủy lợi chưa đón đầu được nhu cầu, xu thế phát triển của nông nghiệp Tây Nguyên. Cụ thể, trước nhu cầu về lương thực giai đoạn sau ngày đất nước giải phóng thì việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn này chủ yếu phục vụ khai hoang, phát triển những cánh đồng lúa nước hai vụ là chính mà chưa đề cập đến mục tiêu phát triển cây công nghiệp dài ngày như: Cà phê, hồ tiêu, nhằm hướng đến sản xuất mặt hàng xuất khẩu chiến lược.

Đắc Lắc là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất nước, với diện tích hơn 203.000ha, chiếm 40% diện tích, sản lượng cà phê cả nước nhưng việc đầu tư thủy lợi cho sản xuất cà phê chưa được đầu tư thích đáng. Vì vậy đến nay, toàn tỉnh Đắc Lắc chỉ có 33.000ha cà phê được tưới nước từ công trình thủy lợi, còn lại là tưới từ nguồn nước không ổn định từ hệ thống sông, suối và nước ngầm, dẫn tới cây cà phê ở Đắc Lắc cũng như vùng Tây Nguyên thường bị thiệt hại rất nặng khi xảy ra hạn hán. Mặt khác, việc quy hoạch thủy lợi vùng Tây Nguyên thiếu đồng bộ, không gắn với quy hoạch cây trồng nên hiện nay, việc đầu tư phát triển thủy lợi vùng Tây Nguyên không chỉ gặp khó khăn về kinh phí, mà còn khó khăn cả về mặt bằng cho xây dựng công trình.

Vì thế, để không gây áp lực lên thủy lợi vùng Tây Nguyên thì các tỉnh trong vùng cần gắn quy hoạch thủy lợi với quy hoạch cây trồng. Người dân cần phải tuân thủ quy hoạch cây trồng ở các tỉnh, tránh mở rộng diện tích cây trồng ngoài quy hoạch. Mặt khác, để không lãng phí nguồn nước thì vùng Tây Nguyên cần sớm có chiến lược để ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, sử dụng phổ biến các phương pháp tưới tiết kiệm nước. Về lâu dài, các tỉnh trong vùng cần chú trọng đến công tác trồng rừng, nhất là rừng đầu nguồn để giữ nước.

leftcenterrightdel
Công trình thủy lợi Krông Búc hạ, tỉnh Đắc Lắc, khánh thành đưa vào khai thác tháng 5-2014. 

 

"Đau đầu" vấn đề kinh phí

Nói về điều kiện phát triển thủy lợi vùng Tây Nguyên, Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khẳng định rằng, mặc dù nằm ở địa hình có độ cao trung bình 600-800m so với mực nước biển, nhưng Tây Nguyên lại có điều kiện khá thuận lợi cho phát triển thủy lợi, trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Khí hậu vùng Tây Nguyên trong năm chia hai mùa mưa nắng rõ rệt. Lượng mưa trong 6 tháng mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm) rất lớn, có nơi đạt 2.000-2.500mm, nếu xây dựng được hệ thống thủy lợi phía hạ lưu các sông suối lớn, tranh thủ tích được một phần lớn lượng nước mưa hằng năm thì sẽ chủ động được nước tưới cho cây trồng cần tưới trong 6 tháng mùa khô, giảm được những tác động tiêu cực của hạn hán. Theo nhận định, nhu cầu nước cho nông nghiệp vùng Tây Nguyên hiện nay vào khoảng 4,08 tỷ mét khối và dự báo đến năm 2020 khoảng 4,24 tỷ mét khối.

Thế nhưng, khó khăn đầu tiên trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi quy mô lớn tại Tây Nguyên vẫn là thiếu kinh phí. Đề án Quy hoạch thủy lợi vùng Tây Nguyên đã đề ra mục tiêu: Huy động khoảng 79.000 tỷ đồng, đầu tư xây mới 1.614 công trình và nâng cấp 756 công trình thủy lợi, bảo đảm nước tưới cho hơn 390.000ha cây trồng các loại; nâng tổng diện tích cây trồng được bảo đảm tưới từ hệ thống thủy lợi toàn vùng lên 600.000ha. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một hướng huy động vốn cụ thể, khả thi nào được đề ra để đáp ứng đủ con số 79.000 tỷ đồng nói trên.

Trên thực tế, phần lớn các công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở vùng Tây Nguyên được đầu tư từ 30-40 năm trước, nay đã xuống cấp nghiêm trọng; trong khi nguồn kinh phí bảo đảm cho sửa chữa, nâng cấp khá lớn và hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đều không chủ động được, mà trông chờ vào ngân sách từ Trung ương. Tìm hiểu thực tế tại tỉnh Đắc Lắc, ông Mai Trọng Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 770 công trình thủy lợi (bao gồm cả các công trình của người dân và doanh nghiệp tự xây dựng), nhưng có tới 55% công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Mặc dù từ cuối năm 2014, HĐND tỉnh Đắc Lắc đã ban hành Nghị quyết số 141/2014/NQ-HĐND, ngày 13-12-2014 về an toàn hồ chứa trên địa bàn, với tổng kinh phí thực hiện 2.343 tỷ đồng. Nhưng đến nay, nghị quyết trên chưa được triển khai, do thiếu kinh phí. Điều đáng lo ngại là hầu hết công trình thủy lợi nhỏ, trước đây xây dựng bằng phương pháp thủ công, đều không có hồ sơ thiết kế, hồ sơ xây dựng và không được thẩm định kỹ thuật. Vì vậy, việc tu bổ, nâng cấp rất khó khăn, tốn kinh phí. Trong tổng số hơn 300 công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắc Lắc đang quản lý và khai thác thì có tới hơn 40 hồ chứa trong tình trạng “đặc biệt nguy hiểm”, có thể vỡ đập bất cứ lúc nào trong mùa mưa lũ, nhưng doanh nghiệp quản lý chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa.

Theo tính toán của tỉnh Đắc Nông, địa phương này cũng cần khoảng hơn 1.000 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi hiện có; đồng thời cần 1.800 tỷ đồng để xây mới 230 công trình thủy lợi nhỏ. Nhưng đến nay, Đắc Nông mới huy động được 20 tỷ đồng, chủ yếu từ các nguồn vốn vay. Để giải quyết vấn đề cấp bách là nước tưới cho cây trồng trong những tháng mùa khô, tỉnh Đắc Nông đã chú trọng đến đầu tư xây dựng, sửa chữa hệ thống hồ đập thủy lợi; khuyến khích các hộ nông dân đầu tư xây dựng ao, hồ nhỏ để tích trữ nước. Ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Nông cho biết, đến nay toàn tỉnh có khoảng 1.200 ao hồ trong dân. Hiện tỉnh đang thực hiện chính sách hỗ trợ cho nông hộ đầu tư đào mới ao, hồ với mức 50 triệu đồng/ao (mỗi ao phải bảo đảm diện tích 3ha và đủ tưới cho ít nhất từ 5ha cây trồng trở lên). Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt.

Kinh phí để thực hiện thành công tái cơ cấu thủy lợi vùng Tây Nguyên sẽ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo các chuyên gia, các địa phương trong vùng cần chủ động trong huy động vốn, không chỉ trông chờ vào ngân sách Trung ương mà phải huy động được sức dân, xã hội hóa các công trình thủy lợi nhỏ để phục vụ trực tiếp nhu cầu sản xuất của người dân và từng bước đáp ứng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Nhóm phóng viên KINH TẾ-XÃ HỘI-NỘI CHÍNH