Nhằm mục đích thử nghiệm, ban đầu, hệ thống sử dụng hình ảnh của các nhân viên sân bay và cho tỷ lệ nhận diện chính xác đạt 90%. Các nhà phát triển dự án kỳ vọng hệ thống mới sẽ được ứng dụng vào công tác bảo đảm an ninh sân bay và hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan thực thi pháp luật.

Kính nhận diện khuôn mặt được thử nghiệm tại Trung Quốc. Ảnh: telegraph.co.uk.

Trước đó, từ tháng 3-2018, sân bay quốc tế Miami (Mỹ) đã chính thức đưa vào sử dụng quầy kiểm tra hộ chiếu tự động Concourse E sau 4 tháng thử nghiệm. Các camera tại quầy sẽ chụp lại ảnh gương mặt hành khách, sau đó đối chiếu với ảnh hộ chiếu, visa hoặc chứng nhận nhập cư trong cơ sở dữ liệu liên bang.

Nhờ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, tốc độ kiểm tra hộ chiếu đã tăng lên 10 hành khách mỗi phút, giảm đáng kể tình trạng quá tải tại khu vực nhập cảnh của sân bay. Ưu điểm về tốc độ xử lý thông tin trên đã thúc đẩy Chính phủ Australia đầu tư phát triển dự án Seamless Travel, hướng đến thủ tục xuất nhập cảnh bằng nhận diện khuôn mặt, quét giác mạc và vân tay, loại bỏ hoàn toàn việc kiểm tra giấy tờ.

Tại Trung Quốc, lực lượng cảnh sát thành phố Trịnh Châu đang ứng dụng một loại kính có chức năng nhận diện, sau đó kết nối với thiết bị cầm tay để tìm thông tin về tên, tuổi, địa chỉ… phục vụ công tác truy bắt tội phạm. Theo Tân Hoa xã, 557 trạm an ninh tại 62 sân bay ở Trung Quốc đã được trang bị công nghệ nhận diện khuôn mặt, giảm thời gian kiểm tra thông tin hành khách xuống dưới 1 giây.

Mặc dù công nghệ nhận diện khuôn mặt có ưu điểm về tốc độ xử lý thông tin cao, nhiều ý kiến tại Mỹ và các nước phương Tây bày tỏ lo ngại về nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư của con người và các lỗ hổng thông tin tiềm tàng.

ĐĂNG SƠN