Trung tuần tháng 2-1947, sau khi chiếm được một số vị trí ở Liên khu 1, Pháp tiếp tục cho quân mở các đợt tiến công mới.
Về ta, đến thời điểm này mặc dù đã giành được những thắng lợi quan trọng trong việc tiêu hao, tiêu diệt, vây hãm giam chân địch dài ngày, nhưng trận địa dần bị thu hẹp, việc tiếp tế của ta từ hậu phương vào ngoại thành và thành phố bị cắt đứt, lương thực, đạn dược dần cạn.
Để bảo toàn lực lượng tiến hành kháng chiến lâu dài, ngày 15-12-1947, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ tổng chỉ huy ra lệnh cho các lực lượng vũ trang Liên khu 1 rút dần khỏi Hà Nội.
Nơi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt sông sang bãi giữa Sông Hồng, thực hiện cuộc lui quân thần kỳ.
Qua nghiên cứu hoạt động của địch, ta lập phương án sẽ hành quân qua bãi sông Hồng dưới gầm cầu Long Biên, lên Nghi Tàm, vượt qua sông Hồng và sông Đuống sang Phúc Yên.
10 giờ sáng 17-2, cán bộ tiểu đoàn phổ biến kế hoạch rút quân xuống từng đại đội; 17 giờ cùng ngày, cán bộ đại đội phổ biến cho từng cán bộ, chiến sĩ. Theo đúng kế hoạch lui quân, chập tối ngày 17-2, khi màn đêm dần buông trên thành phố, các tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ đô được lệnh xuất phát. Vào lúc 20 giờ, các đơn vị hành quân ra vị trí cột đồng hồ trên phố Trần Nhật Duật, rồi bí mật, lặng lẽ lội sông luồn qua gầm cầu Long Biên sang Bãi giữa. Tại đây, nhân dân Tứ Tổng đã huy động hơn 40 chiếc thuyền, đưa toàn bộ lực lượng gồm hàng nghìn người vượt sông an toàn, hoàn thành cuộc lui quân thần kỳ, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ 60 ngày giam chân địch tại Thủ đô, tạo điều kiện cho các địa phương chuẩn bị lực lượng bước vào 9 năm kháng chiến trường kỳ.
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến, song mỗi nóc phố, căn nhà, con đường, khúc sông… vẫn còn mang trong đó những câu chuyện hào hùng, sống động về tinh thần “Sống chết với Thủ đô”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Hà Nội. Thời gian sẽ tiếp tục trôi đi, song Hà Nội nói chung, những địa danh khắc ghi dấu tính hào hùng trong 60 ngày đêm khói lửa 1946-1947 nói riêng sẽ vẫn mãi là bản hùng ca về tinh thần anh dũng, bất khuất của đất và người Hà Nội; là những bài học có tác dụng giáo dục truyền thống lịch sử sâu sắc, qua đó nhân lên lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lòng yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bài, ảnh: HOÀNG HÀ