Cuộc thi giúp học sinh bước đầu làm quen với việc nghiên cứu khoa học, biết vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống. Năm nay, cuộc thi nhận được hơn 1.200 dự án từ hơn 130 đơn vị tham gia. Trong đó, có hơn 80 trường THPT, gần 50 trường trung học cơ sở (THCS) và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên với hơn 2.200 học sinh tham gia. Qua vòng sơ loại, 52 dự án đã bước vào vòng chung kết, trong đó 49 dự án khối THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và 3 dự án của học sinh THCS.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, tại vòng chung kết, các thí sinh trình bày đề tài nghiên cứu, trả lời các câu hỏi của ban giám khảo. Ban tổ chức sẽ chọn ra 4 dự án xuất sắc nhất để tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đánh giá chung của ban giám khảo cuộc thi cho thấy, các đơn vị đầu tư về chất lượng, quy trình nghiên cứu của học sinh thêm chuẩn hóa nên chất lượng các dự án được nâng cao.

leftcenterrightdel
Học sinh trình bày các dự án tại vòng chung kết. 

Cuộc thi năm nay có gần 50% số lượng đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi trong cuộc sống đô thị hiện nay. Ngoài ra, nhóm đề tài theo định hướng chuyển đổi số, cùng với nhóm đề tài là thế mạnh của thành phố như: Hóa sinh, kỹ thuật y sinh, hóa học, khoa học vật liệu… có sự thay đổi rõ rệt về chất lượng và số lượng. Các dự án không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi học sinh, gắn với thực tiễn đang đặt ra tại TP Hồ Chí Minh.

Tin, ảnh: THƯ LÊ