Trước đó, ngày 31-3 có 1,67 triệu thuê bao đã bị khóa một chiều do chưa chuẩn hóa thông tin. Tính đến ngày 13-4, theo số liệu của Cục Viễn thông, có 473.000 thuê bao đã mở khóa và chuẩn hóa thông tin. Như vậy, còn gần 1,2 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa và có nguy cơ bị khóa hai chiều từ ngày 15-4.

Theo quy định, sau khi bị khóa hai chiều, đến ngày 15-5, nếu thuê bao vẫn không thực hiện chuẩn hóa thông tin thì nhà mạng sẽ thực hiện thu hồi số.

Đại diện VinaPhone cho biết, tính đến ngày 14-4, nhà mạng này có hơn 400.000 thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin. Từ 0 giờ ngày 15-4, nhà mạng này sẽ thực hiện khóa hai chiều với thông tin thuê bao.

Sau thời điểm bị khóa 2 chiều, khách hàng sẽ không thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao qua website/app My VNPT mà phải đến các điểm giao dịch của nhà mạng. Để được hỗ trợ mở khóa thuê bao, xác minh thông tin, khách hàng cần mang theo các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân (CCCD), hộ chiếu… khi đến thực hiện giao dịch.

Đại diện VinaPhone cho biết, các điểm giao dịch của VinaPhone sẽ tăng cường hoạt động, hỗ trợ khách hàng đến 21 giờ ngày 15-5. Các khách hàng chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao cần sớm đến các điểm giao dịch để thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin. 

Đại diện VinaPhone cho biết thêm, khách hàng chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao cần sớm đến các điểm giao dịch để thực hiện bổ sung, cập nhật trước thời điểm bị khóa 2 chiều theo quy định.

Đại diện MobiFone cho biết, nhà mạng này sẽ thực hiện khóa hai chiều với các thuê bao chưa chuẩn hóa từ 0 giờ ngày 15-4. Sau thời điểm này, khách hàng của MobiFone không thể chuẩn hóa trực tuyến mà phải đến các điểm giao dịch của nhà mạng để mở khóa và thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Tính đến 9 giờ ngày 14-4, Viettel còn khoảng 290.000 thuê bao đang bị khóa một chiều do có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những thuê bao này sẽ bị khóa hai chiều vào ngày 15-4 nếu không thực hiện cập nhật lại thông tin theo quy định. Đến ngày 15-5, nếu các thuê bao vẫn chưa tới điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của Viettel để được chuẩn hóa thông tin sẽ chính thức bị thu hồi. Viettel rất cần sự ủng hộ của khách hàng, người dân cũng như sự hỗ trợ truyền thông của các cơ quan báo chí để việc chuẩn hóa thông tin thuê bao sớm hoàn thành.

Khách hàng đến cập nhật thông tin cá nhân tại cửa hàng của Viettel. 

Viettel khuyên người dùng phải chuẩn hóa thông tin cá nhân để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, hạn chế tình trạng tranh chấp số, đặc biệt với những sim số đẹp, góp phần loại bỏ sim rác, hạn chế tình trạng tin nhắn rác/cuộc gọi rác, tin nhắn/cuộc gọi lừa đảo.

Đại diện nhà mạng VinaPhone cũng chia sẻ, thực tế có những trường hợp dùng sim không chính chủ, khi bị mất sim, không thể báo khóa thuê bao cũng như khôi phục, thậm chí còn bị người khác sử dụng với mục đích xấu. Ngoài ra, việc dùng số thuê bao không chính chủ có thể ảnh hưởng đến quá trình sử dụng các dịch vụ hành chính công, nhất là các dịch vụ yêu cầu thông tin của số điện thoại khai báo phải chính xác và có các thông báo/xác nhận qua số điện thoại di động.

Sau ngày 15-4, khách hàng của MobiFone không thể chuẩn hóa trực tuyến mà phải đến các điểm giao dịch của nhà mạng để mở khóa và thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao lần này đã được các nhà mạng thực hiện nghiêm túc và được đông đảo người dân, giới truyền thông hưởng ứng để chung tay dẹp vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Tuy nhiên, để tiếp tục xử lý triệt để vấn nạn này, Bộ TT&TT đã tiến hành bước thứ hai là thanh kiểm tra việc quản lý thông tin thuê bao di động.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký công văn đề nghị các tỉnh, thành phố và các sở TT&TT thực hiện thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động từ ngày 5-4 đến 5-6 đối với mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Đông Dương Telecom, MOBICAST, Công ty cổ phần viễn thông ASIM và cả các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đăng ký thông tin thuê bao lớn, có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó sẽ thanh kiểm tra các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng SIM lớn nhất. Trong đợt thanh tra này, Bộ TT&TT cho biết, sẽ đề xuất xử lý người đứng đầu nhà mạng nếu để sai phạm về quản lý thuê bao di động.

VĂN PHONG