Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với những thuê bao đã đăng ký thuê bao chính chủ bằng chứng minh thư nhân dân trước đó, nhưng chưa được đồng bộ với căn cước công dân trong CSDL quốc gia dân cư sẽ xử lý thế nào? Việc thực hiện hướng dẫn người dân sẽ ra sao?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, những thuê bao đã được đăng ký bằng chứng minh thư nhân dân (CMTND), nếu như có thông tin đầy đủ và chính xác theo quy định vẫn hoạt động bình thường.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, những thuê bao đã được đăng ký bằng chứng minh thư nhân dân (CMTND), nếu như có thông tin đầy đủ và chính xác theo quy định vẫn hoạt động bình thường. 

Cụ thể quy trình, thuê bao đã đăng ký bằng CMTND mà chưa đồng bộ căn cước công dân mới, được hiểu là có thể chưa kịp đồng bộ, hay người đó chưa được cấp CCCD, trong CSDL quốc gia chưa có dữ liệu về CCCD mới, thì sẽ được nhà mạng chủ động rà soát dữ liệu trong CSDL của nhà mạng và hồ sơ đăng ký thuê bao ngày xưa, tức là hồ sơ bản giấy hay bản photo giấy tờ tùy thân để khẳng định cơ sở nhà mạng trùng khớp với bản chụp giấy tờ khi đăng ký của khách hàng. Việc này nhà mạng tự làm không phiền gì tới người dân vì nhà mạng nắm giữ hồ sơ.

Trong trường hợp đã trùng khớp, nhà mạng tiếp tục định kỳ đối soát cơ sở CSDL quốc gia về dân cư. Khi CSDL này có thêm dữ liệu của người dân khi người dân đến làm CCCD mới hay cập nhật CMTND, thì nhà mạng cập nhật dần dần và đối soát định kỳ với CSDL quốc gia dân cư, không phiền toái gì người dân cả.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm: Với công dân, khi muốn kiểm tra thuê bao có thông tin đúng của mình chưa, cách thức nhà mạng đã hướng dẫn rộng rãi rồi. Người dân chủ động nhắn tin SMS tới đầu số 1414 với cú pháp TTTB (viết tắt của "thông tin thuê bao"), nhắn miễn phí, để biết số điện thoại đang sử dụng có thông tin đúng chưa. Khi đó nhà mạng sẽ trả lại thông tin. Nếu khớp rồi thì không vấn đề gì, còn nếu không khớp, chúng ta liên hệ lại nhà mạng qua số điện thoại chăm sóc khách hàng, qua trang web nhà mạng hay qua các ứng dụng trên điện thoại di động để chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Theo thông tin từ các nhà mạng, tính đến hết ngày 31-3 đã có 2,17 triệu SIM thực hiện việc chuẩn hóa, tương đương 56,49% tổng số thuê bao cần chuẩn hóa lại thông tin. Khoảng 1,67 triệu thuê bao còn lại đã bị khóa một chiều.

Sau ngày 31-3, nếu khách hàng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa, các nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ một chiều và tiếp tục gửi tin nhắn thông báo tới chủ thuê bao.

Khi bị khóa liên lạc một chiều, khách hàng có thể thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao thông qua ứng dụng, trang web hoặc đến trực tiếp các cửa hàng giao dịch của nhà mạng để được hỗ trợ.

Đến ngày 15-4, sẽ tiếp tục khóa dịch vụ 2 chiều cho các thuê bao chưa đáp ứng yêu cầu và sẽ thực hiện thu hồi số thuê bao từ ngày 15-5 nếu khách hàng vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại thông tin kịp thời.

Sau khi bị khóa liên lạc 2 chiều, khách hàng cần đến các cửa hàng giao dịch của nhà mạng để được hỗ trợ thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao. Khách hàng cập nhật thông tin sẽ được mở tự động dịch vụ đã chặn trước đó để có thể liên lạc bình thường.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, sau khi bị khóa chiều gọi đi từ ngày 31-3 đến ngày 2-4 đã có 115.000 thuê bao bị khóa đi chuẩn hóa lại thông tin cá nhân.

VĂN PHONG (tổng hợp)