Tham dự khai mạc hội thảo có Trung tướng, GS, TS Lê Minh Thái, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự; PGS, TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông; đại biểu đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và đại biểu một số doanh nghiệp liên quan...

Hội thảo đã nhận được 14 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự, trong đó có 8 tham luận trình bày tại hội thảo, tập trung vào chia sẻ kinh nghiệm, một số giải pháp tối ưu nhằm xây dựng mô hình đại học số tại các cơ sở giáo dục đại học; đánh giá khách quan thực trạng cùng các thách thức, đồng thời đề xuất giải pháp chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực do đơn vị phụ trách trong mô hình đại học số tại Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng, GS, TS Lê Minh Thái, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự nhấn mạnh: Chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong giáo dục đại học và xây dựng mô hình Đại học số đang là chủ đề được đặc biệt quan tâm thời gian gần đây.

leftcenterrightdel
Trung tướng, GS, TS Lê Minh Thái, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự phát biểu khai mạc hội thảo. 

Đối với Học viện Kỹ thuật Quân sự, chuyển đổi số tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa được ứng dụng sâu, rộng; một số ngành vẫn đang dừng ở việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ huy, điều hành. Việc số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị chưa đi vào chiều sâu. Cơ sở dữ liệu các ngành còn hạn chế, chưa đồng bộ; nhiều quy trình nghiệp vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị chưa có các nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động.

leftcenterrightdel
Đại biểu các nhà khoa học, nhà quản lý tham gia hội thảo. 

Trên cơ sở các tham luận tại hội thảo, phát biểu kết luận hội thảo, Thiếu tướng, GS, TS Trần Xuân Nam, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, khẳng định: Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với các nhà trường Quân đội nói chung, Học viện Kỹ thuật Quân sự nói riêng, để kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, xây dựng Học viện trở thành đơn vị điểm về chuyển đổi số trong khối học viện nhà trường trong Quân đội và xây dựng thành công mô hình đại học số, Học viện Kỹ thuật Quân sự cần nhận thức đúng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm đồng bộ, hiện đại, phục vụ chuyển đổi số; xây dựng trục tích hợp dữ liệu, làm nền tảng kết nối các ứng dụng tại Học viện cũng như kết nối trục tích hợp của Bộ Quốc phòng.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo. 

Cùng với đó, nâng cấp xây dựng các ứng dụng phục vụ quản lý, chỉ huy điều hành, cung cấp thông tin phục vụ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cấp, xây dựng các ứng dụng quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học trên nền tảng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, phục vụ toàn diện quá trình chuyển đổi số.

leftcenterrightdel
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. 

Theo Thiếu tướng, GS, TS Trần Xuân Nam, Học viện Kỹ thuật Quân sự là một cơ sở đào tạo trong Quân đội với những đặc thù riêng, khác biệt với các cơ sở đào tạo bên ngoài; nhiều học liệu phục vụ cho cán bộ, giảng viên, học viên học tập, nghiên cứu có độ mật (không được truyền/nhận qua mạng); hạ tầng mạng quân sự và internet trong Bộ Quốc phòng nói chung, nhà trường nói riêng tách biệt về mặt vật lý; chưa được sử dụng hệ thống mạng không dây cho hệ thống mạng quân sự… Vì vậy cần xây dựng mô hình Đại học số tại Học viện Kỹ thuật Quân sự với những nét riêng nhưng phải hòa nhập được với mô hình Đại học số của các cơ sở đào tạo trong nước.

Tin, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

*Mời  bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.