Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Đối với cấp THPT, để hài hòa giữa học phân hóa định hướng nghề nghiệp với học toàn diện, môn Khoa học xã hội cùng với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ dành cho học sinh định hướng Khoa học tự nhiên. Bên cạnh đó, môn Khoa học tự nhiên cùng với các môn Lịch sử, Địa lý sẽ dành cho các học sinh định hướng Khoa học xã hội. Ngoài ra, học sinh còn được tự chọn các chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng cá nhân.
Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 dành cho cấp THPT đã được tiến hành trong năm học 2022-2023. Hội thảo lần này là diễn đàn để các giáo viên, chuyên gia giáo dục trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc giảng dạy, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp thực hiện hiệu quả. Qua đó, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt hơn chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các năm tiếp theo”.
Tại Hội thảo, tham luận của các đại biểu đã thể hiện đa dạng cách tiếp cận, góc nhìn, tập trung trao đổi về công tác tổ chức và quản lý nhà trường khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực tiễn áp dụng các phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các môn học, những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10, việc ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, sự phối hợp giữa các trường sư phạm và trường phổ thông trong việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới...
Chia sẻ những khó khăn khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, thầy Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết, trước hết là đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, các trường THPT công lập thiếu giáo viên âm nhạc và mỹ thuật, nội dung giáo dục địa phương gặp nhiều khó khăn do chỉ được đào tạo chuyên ngành, phải dạy kiêm nhiệm môn học mới... Bên cạnh đó, công tác phân luồng học sinh vào lớp 10 và lựa chọn tổ hợp môn cũng gặp không ít khó khăn do học sinh còn lựa chọn tổ hợp môn học theo cảm tính. Điều này tạo ra sự mất cân đối về phía nguồn lực giáo viên từng trường THPT.
“Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bình Thuận lớp 10 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt nhưng do chậm trong khâu phát hành, nên đến học kỳ II năm học 2022-2023 mới đưa vào giảng dạy tại Bình Thuận” - thầy Phan Đoàn Thái thông tin thêm.
    |
 |
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo. |
Ở góc độ trường học, cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Hồ Chí Minh) đề xuất một số giải pháp để triển khai tốt chương trình. Đó là, nhà trường nên tăng cường việc dạy học thực nghiệm chương trình mới cho giáo viên trong dịp hè để rút kinh nghiệm, biên soạn lại nội dung phù hợp với mục tiêu giảng dạy, tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, hội thảo, chia sẻ, hướng dẫn thực hiện những phương pháp dạy học phát triển năng lực, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu khoa học cho giáo viên. Đối với học sinh, cần giải pháp hướng dẫn và rèn tính chủ động, tích cực cho học sinh thông qua việc xây dựng mô hình câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” và định hướng phát triển không gian học tập số cho học sinh thông qua các ứng dụng công nghệ và internet.
Tham luận của các đại biểu tại Hội thảo cũng nhấn mạnh rằng, để hiện thực hóa thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với bậc THPT, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và toàn xã hội cần nhận thức tốt vai trò và trách nhiệm để cùng hành động, thường xuyên rút kinh nghiệm, đúc kết những bài học trong quá trình thực hiện và chia sẻ trên các diễn đàn giáo dục như Hội thảo của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức. Cùng với đó, cần có sự nỗ lực lớn của toàn ngành giáo dục, sự phối hợp, quyết tâm của địa phương, các bộ ngành liên quan.
Tin, ảnh: HỒNG GIANG