Vai trò của đội ngũ nhà giáo
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Theo Người, nhiệm vụ của giáo dục là nhằm đào tạo ra những con người có đủ đức, đủ tài, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì thế, Người đã nhiều lần khẳng định, nhiệm vụ giáo dục là hết sức vẻ vang và vô cùng cao quý. Song, để thực hiện được nhiệm vụ vẻ vang và vô cùng cao quý ấy thì trước hết phải có đội ngũ các nhà giáo.
 |
Giảng viên Khoa Thiết bị hàng không hướng dẫn học viên Cao đẳng Kỹ thuật hàng không thực hành thông điện trên máy bay Su-22M. |
Ở Trường Sĩ quan Không quân, do đặc thù nhiệm vụ nên có hai thành phần giảng viên: Giảng viên là phi công quân sự có nhiệm vụ hướng dẫn, kèm cặp các học viên phi công quân sự thực hành các bài bay trên không và giảng viên ở mặt đất có nhiệm vụ giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành cho học viên sĩ quan dù tìm kiếm cứu nạn đường không, cao đẳng kỹ thuật hàng không ở mặt đất... Do vậy, việc lựa chọn những người thầy có đủ năng lực, phẩm chất và chăm lo, phát triển đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo tổ chức chuyên ngành là một việc làm rất quan trọng và hết sức cần thiết.
Chia sẻ về vấn đề này, Đại tá Lê Văn Uy, Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân cho biết: “Những năm gần đây, Đảng ủy Ban giám hiệu Nhà trường thường xuyên chú trọng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa; bảo đảm đủ về số lượng và cơ cấu hợp lý; chất lượng ngày càng nâng cao, có tỷ lệ thích hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.
Các giảng viên được cử đi đào tạo đều bảo đảm đủ tiêu chí, tiêu chuẩn và nằm trong nguồn quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý của nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có các cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo phù hợp nhằm khuyến khích cán bộ, giảng viên tham gia học tập và nghiên cứu khoa học. Hiện nay nhà trường đang có 97,4% cán bộ, giảng viên đạt trình độ đại học trở lên, trong đó trình độ sau đại học chiếm gần 50%, tiến sĩ là 3,5%”.
 |
Học viên Trường Sĩ quan Không quân tặng hoa các thầy, cô giáo nhân ngày 20-11.
|
Bên cạnh việc chăm lo, phát triển và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà trường còn đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy, học tích cực, kết hợp giáo dục - đào tạo với nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực với bồi dưỡng tài năng quân sự.
Hiện nay nhà trường đang tích cực hoàn thiện chuẩn chương trình đào tạo ngành Chỉ huy - Tham mưu Không quân trình độ đại học để báo cáo Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiệm thu, đồng thời xây dựng chương trình khung đào tạo ngành Thiết bị bay không người lái trình độ cao đẳng, trung cấp và bổ sung, hoàn thiện đề án “Xây dựng Trường Sĩ quan Không quân cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”.
Gắn lý thuyết với thực hành, gắn nhà trường với đơn vị
Là người vừa đi dự nhiệm chức danh Phó trưởng Ban kỹ thuật Trung đoàn 940 tại sân bay Phù Cát (Bình Định) trở về, Thiếu tá Khuất Văn Huy, giảng viên Bộ môn Máy bay (Khoa Máy bay - Động cơ), Trường Sĩ quan Không quân chia sẻ: “Đã là giảng viên thì cần phải hiểu rõ đối tượng mình đang giảng dạy sẽ đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra như thế nào? học viên sau khi ra trường sẽ làm gì tại đơn vị để từ đó xây dựng bài giảng sao cho phù hợp với từng đối tượng. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, các giảng viên cần phải liên hệ thực tiễn ở đơn vị để học viên hiểu được nội dung bài học và áp dụng vào thực tế sau này. Muốn vậy, bên cạnh những kiến thức về lý thuyết đã được trang bị, các giảng viên cần phải có kiến thức chuyên sâu về thực tế chức trách, nhiệm vụ tại đơn vị, nhất là kỹ năng thực hành khai thác sử dụng trên các trang bị kỹ thuật mới”.
 |
Học viên phi công quân sự năm thứ hai của Trường Sĩ quan Không quân trong giờ học Dẫn đường bay.
|
Còn theo Đại úy Mai Vĩnh Long, giảng viên Bộ môn Động cơ, Khoa Máy bay động cơ: “Quá trình khai thác, sử dụng trang bị kỹ thuật tại đơn vị diễn ra theo một quy trình và có đầy đủ các thành phần tham gia. Thông qua thời gian dự nhiệm thực tế ở đơn vị, các giảng viên sẽ có cái nhìn tổng thể về quy trình thực hiện nhiệm vụ công tác kỹ thuật ở đơn vị. Còn ở nhà trường, các giảng viên chủ yếu giảng dạy theo các khoa mục riêng biệt tách rời, sẽ thuận lợi cho học viên tiếp thu kiến thức cơ bản, nhưng lại có những hạn chế nhất định để học viên nắm được quy trình khai thác kỹ thuật trong một ngày chuẩn bị bay hay làm ngày kỹ thuật”.
Thực tế cho thấy thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Không quân rất quan tâm đến công tác luân chuyển đi thực tế đối với cán bộ, giảng viên, coi đây là một trong những nội dung, biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Trong 3 năm (2021-2024), Nhà trường đã xét và đề nghị luân chuyển đi thực tế tại các đơn vị trong trường 28 giảng viên các chuyên ngành, trong đó chủ yếu là các giảng viên chuyên ngành kỹ thuật hàng không, bởi các Trung đoàn vừa được trang bị các loại khí tài mới.
Đại tá Nguyễn Hải Đăng, Phó chủ nhiệm Chính trị, Trường Sĩ quan Không quân cho biết: “Quán triệt Quy định số 1663-QĐ/QUTW, ngày 21-12-2022 của Quân ủy Trung ương về luân chuyển cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thời gian qua, cấp ủy và tổ chức đảng các cấp trong Trường đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của trên về công tác luân chuyển cán bộ.
Chủ động xây dựng kế hoạch để đưa giảng viên đi thực tế, nghiên cứu, học tập tại các trung đoàn với các chức danh phù hợp, nhằm giúp các giảng viên tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để từng bước hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục đào tạo trong tình hình mới cũng như thực hiện hiệu quả phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.
Bài, ảnh: MAI VĂN ĐÔNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.