Quan tâm thiết thực đến đội ngũ nhà giáo cũng là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo... Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Báo Quân đội nhân dân chia sẻ một số ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Đồng chí LÊ NGỌC HÙNG, Phó chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk:

Quan tâm hơn tới giáo viên hợp đồng

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành giáo dục huyện Ea H’leo đã được đầu tư khá đồng bộ. Mạng lưới trường học được kiên cố hóa, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được trang bị khá đầy đủ, kịp thời, cơ bản đáp ứng được hoạt động dạy và học, nhất là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Địa phương cũng dành nhiều nguồn lực, tập trung thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để làm sao mọi học sinh đủ tuổi đều được đến trường, có cơ hội tiếp cận nền giáo dục tốt nhất. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục trên địa bàn không ngừng được nâng cao; học sinh được tiếp cận đầy đủ các chính sách, điều kiện học tập; khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa với vùng trung tâm trên địa bàn được rút ngắn... Tuy vậy, để các trường đạt chuẩn, năm 2025, huyện cần khoảng 42 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất. Đây là vấn đề “đau đầu” của huyện Ea H’leo. Chúng tôi hy vọng trong năm tới, huyện Ea H’leo sẽ tiếp cận được các nguồn lực từ Nhà nước cũng như các nhà hảo tâm, để tiếp tục đầu tư cho công tác giáo dục.

Một giờ học của các em học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, xã Cư Amung, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

Các chính sách tiền lương, phụ cấp cho giáo viên, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã từng bước tương xứng với cống hiến của nhà giáo. Nhờ thu nhập ổn định, đời sống của giáo viên được bảo đảm, yên tâm cống hiến. Tuy nhiên, vấn đề này với giáo viên hợp đồng còn nhiều bất cập. Qua khảo sát, mức lương của giáo viên hợp đồng khá thấp, chỉ trên dưới 4-5 triệu đồng/tháng. Để trang trải cuộc sống, không ít giáo viên phải tìm việc làm thêm. Đáng nói, số lượng giáo viên hợp đồng trên địa bàn khá lớn, thời gian dạy hợp đồng cũng kéo dài. Hiện nay, huyện Ea H’leo thiếu giáo viên nhưng chưa được giao thêm biên chế. Về lâu dài, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên cũng như nâng cao mức lương cho giáo viên hợp đồng...

------------------------------------

TS NGUYỄN QUYẾT CHIẾN, Trưởng Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội:

Tạo môi trường để giáo viên phát huy tính tự chủ, sáng tạo

Với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, nhà giáo luôn được cả xã hội đề cao, tôn trọng. Đi liền với vai trò và địa vị đó, nhà giáo cũng gánh trên vai nhiều trách nhiệm. Xã hội luôn đòi hỏi người thầy ở hai phẩm chất: Tâm và tài. Muốn làm được điều đó, mỗi thầy, cô giáo phải tự rèn luyện mình. Người thầy phải luôn là tấm gương cho học trò noi theo, có lối sống lành mạnh, trong sáng, luôn giữ mối quan hệ tốt với cộng đồng, xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Giáo dục được một người thầy tốt, được cả một thế hệ”. Vì vậy, mục tiêu đào tạo đội ngũ nhà giáo là không chỉ giàu kiến thức, giỏi trình độ mà còn phải có đạo đức, phong cách, là tấm gương mô phạm, tấm gương văn hóa mới đáp ứng kỳ vọng của xã hội, mục tiêu đổi mới căn bản giáo dục.

Tôi đã có rất nhiều thế hệ sinh viên ra trường, trở thành thầy, cô giáo trên khắp cả nước. Tôi rất vui vì sau nhiều năm đi dạy, các học trò của tôi lại có thể tự hào kể với tôi những câu chuyện nghề; cho tôi xem những bức thư, dòng tin nhắn cảm kích của các lứa học sinh và cả khó khăn, vất vả khi theo đuổi sự nghiệp “trồng người”. Có người đã phải bỏ việc, chuyển việc vì mức lương không đủ bảo đảm cuộc sống dù những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành cho ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp... chưa thực sự tương xứng với vai trò của nhà giáo; chưa trở thành nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống, nhất là giáo viên trẻ và giáo viên mầm non.

Cùng với đó, nhà giáo chưa nhận được sự quan tâm, bảo vệ xứng đáng từ xã hội, nên còn xảy ra nhiều sự việc đáng buồn về cách ứng xử từ xã hội, từ phụ huynh, người học đối với giáo viên. Khi sự tôn nghiêm của người thầy chưa được coi trọng, cộng thêm thu nhập thấp, nhiều giáo viên dù không muốn nhưng vẫn phải bỏ nghề. Do vậy, để giáo viên gắn bó với nghề, bên cạnh vấn đề tiền lương cần khuyến khích, tạo môi trường làm việc, tạo điều kiện cho giáo viên được phát huy tính tự chủ, sáng tạo. Các trường học cần có những điều chỉnh để môi trường làm việc dân chủ hơn, giúp nhà giáo tham gia các hoạt động được sáng tạo hơn, thể hiện mình tốt hơn...

---------------------------

Thầy giáo LÊ QUANG THỨC, Hiệu trưởng Trường THPT Xín Mần, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang:

Giáo viên xa quê cần chỗ ở ổn định

Được sự quan tâm của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, huyện Xín Mần, Trường THPT Xín Mần đã được sửa chữa khu lưu trú cho học sinh 3 tầng, một nhà thiết bị, hai dãy nhà phục vụ việc học tập của học sinh. Đặc biệt, trong năm 2024, nhà trường đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây tặng một nhà đa năng trị giá gần 8 tỷ đồng... Những công trình đó đã góp phần giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng các phong trào thể dục, thể thao, rèn luyện thể chất.

Trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà trường luôn thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục của nhà trường, qua đó giúp giáo viên yên tâm công tác, cống hiến. Chi bộ đảng, Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường luôn quan tâm giúp đỡ những thầy, cô giáo gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, với một số giáo viên sống xa quê, xa gia đình thì khó khăn nhất hiện nay là điều kiện ăn ở. Thực tế, nhiều giáo viên của nhà trường chưa có đất ở, nhà ở để có thể ổn định lâu dài, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương...

---------------------

Cô giáo VŨ KIM PHƯỢNG, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội:

Mong sao giáo viên không phải làm thêm nghề tay trái

Xuất thân trong gia đình có truyền thống dạy học, từ nhỏ, tôi đã mơ ước trở thành nhà giáo. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 1992, đăng ký thi đại học, tôi chỉ chọn một khoa, là ước nguyện duy nhất của mình - Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trải qua hơn chục năm giảng dạy dưới mái Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, tôi tự hào vì đã góp phần ươm mầm và nuôi dưỡng nhiều thế hệ học sinh, trong đó nhiều người đã và đang đảm nhiệm vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, những trí thức, những nhà khoa học và hàng ngàn người lao động, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Điều đó càng giúp tôi yêu nghề và tự hào về vị trí xã hội, sự vinh quang nghề giáo của mình. Sự vinh dự, tự hào đó là điểm tựa tiếp thêm sức mạnh cho tôi vững bước trên con đường đã chọn.

Hơn chục năm trong nghề, tôi nhận thấy, giáo viên là ngành nghề có mức thu nhập không cao, điều đó khiến cho giáo viên khó có thể tự tin sống ổn chỉ bằng đồng lương của mình. Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều đồng nghiệp cũng mong chờ vào những cải cách thiết thực, cụ thể, tích cực về chế độ, chính sách để giáo viên có thể sống được bằng lương, không phải làm thêm công việc tay trái. Chỉ khi có môi trường làm việc tốt, được trọng dụng, thu nhập bảo đảm thì giáo viên mới có thể toàn tâm toàn ý làm nghề, đóng góp và vun bồi cho sự nghiệp "trồng người".

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.