Những ứng dụng lưu trữ trực tuyến giúp các tổ bộ môn, giáo viên lưu trữ tập trung bài giảng làm tài nguyên chung, hướng đến xây dựng hệ thống tài nguyên học tập mở của toàn trường. Bên cạnh đó, nhà trường duy trì hệ thống dạy học trực tuyến để có thêm kênh tương tác và hệ thống lớp học trên không gian ảo bảo đảm đầy đủ ứng dụng đáp ứng nhu cầu dạy học.

Theo cô Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, để từng bước chuyển đổi số trong các hoạt động, nhà trường xác định con người là yếu tố quan trọng nên tổ chức tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và phối hợp với các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để giảng dạy, đào tạo tại chỗ cho giáo viên. Nhà trường sẽ triển khai các dự án chuyển đổi số như: Xây dựng học liệu theo chuẩn mở, ứng dụng trí tuệ nhân tạo xây dựng hệ thống chấm điểm, xếp hạng, đánh giá, theo dõi năng lực học sinh...

Thư viện thông minh tại Trường THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè. 

Tại Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè) cũng đưa vào hoạt động thư viện thông minh và lớp học thông minh. Các hệ thống này được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp các thiết bị và phần mềm hỗ trợ học tập, giảng dạy và quản lý.

Học sinh vào thư viện sẽ qua cổng “check in” tự động, truy cập vào các nguồn tài liệu phong phú từ thư viện trực tuyến, cũng như tham gia các hoạt động sáng tạo và cá nhân hóa. Giáo viên có thể áp dụng các phương pháp giảng dạy kết hợp nhiều cách tiếp cận, khuyến khích học sinh tư duy, khám phá kiến thức. Ban giám hiệu nhà trường giám sát, điều hành và đánh giá hoạt động của thư viện, lớp học hoàn toàn chủ động.

Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh đã triển khai quyết liệt những giải pháp chuyển đổi số từ tuyển sinh đầu cấp, chuyển trường đến sổ đầu bài điện tử, bài giảng điện tử, thanh toán học phí, quản lý bữa ăn bán trú... Các giáo viên đã có nhiều sáng tạo trong hoạt động dạy và học, mang lại hiệu quả tốt cho học sinh và nhà trường.

Theo kết quả khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, có 77% giáo viên đã chuẩn bị tốt bài giảng điện tử, 73% giáo viên sử dụng công nghệ thông tin đánh giá kết quả học tập của học sinh, 78% học sinh được cải thiện quá trình học tập nhờ sử dụng công nghệ thông tin.

Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025 của ngành giáo dục thành phố đặt mục tiêu đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu với 25% chương trình bậc tiểu học và 35% chương trình bậc trung học được triển khai dưới hình thức trực tuyến. Đến năm 2030, thành phố sẽ đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục lên môi trường số.

Thành phố đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung ở các bậc học và  thí điểm sử dụng 12 phần mềm dạy học trực tuyến. Dữ liệu dùng chung này là cơ sở để ngành giáo dục dự báo tình hình và khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên ở những năm sắp tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết: Chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục là vấn đề mới, vừa làm, vừa nghiên cứu và điều chỉnh. Toàn ngành ưu tiên công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho đội ngũ nhân lực, tiếp tục xây dựng, phát triển dữ liệu số, tập trung nguồn lực đầu tư  hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học ở các cơ sở giáo dục.

Bài và ảnh: THƯ LÊ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.