Phóng viên (PV): Thưa ông, năm 2024, sau 22 năm đào tạo và quản lý, Khoa Sau đại học và Khoa Các khoa học liên ngành đã chuyển thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật. Sự kiện này có ý nghĩa thế nào trong chiến lược phát triển của trường và đáp ứng nhu cầu xã hội ra sao?

PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu: ĐHQGHN quyết tâm xây dựng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật-một ngôi trường có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật-như mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện cấu trúc đa ngành, đa lĩnh vực. Ý tưởng về một trường nghệ thuật trong hệ thống ĐHQGHN đã được hình thành từ khá sớm, nhưng vài năm gần đây mới có nền tảng chắc chắn để triển khai. Cơ chế tổ chức mới giúp trường mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao tầm ảnh hưởng trong nước và quốc tế, đồng thời dẫn dắt phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo tại ĐHQGHN và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

leftcenterrightdel
PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu. 

Với khẩu hiệu “Kiến tạo tương lai bằng tri thức liên ngành”, trường khẳng định giá trị của tri thức liên ngành trong việc xây dựng hệ thống tri thức mới và giải quyết các vấn đề xã hội tương lai. 

PV: Các chương trình và chuyên ngành đào tạo tại trường có những điểm độc đáo và khác biệt gì so với những trường đại học khác tại Việt Nam, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu: Chúng tôi tự hào là đơn vị đầu tiên đào tạo các chương trình mang định hướng liên ngành, ứng dụng tại ĐHQGHN, không chỉ ở các khối ngành quản trị mà các chương trình đào tạo của lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế hay kiến trúc cũng đều mang sự khác biệt, thú vị so với chương trình ở các trường khác tại Việt Nam.

Thứ nhất, chúng tôi nói không với học lý thuyết suông. Thời lượng thực hành, thực tế được kéo dài và lồng ghép vào các học phần. Thực tập tốt nghiệp chiếm 8-10% tổng thời lượng khóa học. Ở mỗi ngành/chuyên ngành, sinh viên đều được tạo cơ hội “thực chiến” thông qua thực hành dự án (khối ngành quản trị); thực tế nghề nghiệp, đồ án (ngành Thiết kế sáng tạo, Nghệ thuật thị giác, Kiến trúc). Điều này giúp sinh viên trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng và áp dụng lý thuyết vào thực tiễn.

Thứ hai, các chương trình đều chú trọng tới nền tảng khoa học liên ngành và tư duy sáng tạo.

Thứ ba, chúng tôi khai thác các khía cạnh mà những chương trình đơn ngành truyền thống chưa chạm đến. Các chương trình mang tính liên ngành vừa có sự kết hợp giữa lý thuyết và tính ứng dụng cao ngay khi đang học. Ví dụ, trong ngành Kiến trúc, chúng tôi tích hợp kiến trúc và thiết kế cảnh quan, đáp ứng nhu cầu thực tế. Chương trình Quản trị đô thị thông minh và bền vững tập trung vào quản trị, quy hoạch xã hội và hình thái đô thị... nhiều hơn là cấu tạo hay xây dựng. 

leftcenterrightdel
Sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật học tập tại thực địa. 

PV: Làm thế nào để Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật tạo ra một môi trường học thuật và sáng tạo, trang bị kiến thức đa ngành, có chiều sâu văn hóa cho sinh viên?

PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu: Trường chú trọng chuẩn bị đội ngũ giảng viên chất lượng. Đội ngũ giảng viên đều là phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong các ngành Nghệ thuật, Thiết kế, Kiến trúc, đội ngũ giảng viên còn là các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế nổi tiếng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, giúp sinh viên tiếp cận thực tế ngay từ trên ghế nhà trường.

Trường thực hiện chiến thuật “nở hoa trong lòng doanh nghiệp” và phương châm đào tạo “liên ngành-đồng hành cùng doanh nghiệp”. Các chuyên gia từ doanh nghiệp và đối tác đóng góp vào chương trình đào tạo, giúp sinh viên thực hành, thực tập trong môi trường thực tế tại doanh nghiệp, xưởng nghệ thuật và studio chuyên nghiệp. Điều này giúp sinh viên làm quen và phát triển bản thân theo từng học phần, định hình hướng ngành mà mình muốn theo đuổi.

Chúng tôi cũng chuẩn bị các cơ hội trao đổi, hợp tác đào tạo quốc tế, cho phép sinh viên có thêm lựa chọn và đạt được hai bằng đại học trong và ngoài nước. Theo quy định của ĐHQGHN, sinh viên có thể đăng ký học các học phần tự chọn ở những đơn vị đào tạo khác của ĐHQGHN để phục vụ định hướng nghề nghiệp.

PV: Thực tiễn phát triển đầy năng động của các lĩnh vực nghệ thuật và công nghiệp văn hóa-sáng tạo hiện nay đặt ra những thách thức nào cho nhà trường, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu: Đối với một đơn vị mới, nhiệm vụ là tạo ra sức hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh cho các chương trình liên ngành. Xu hướng giới trẻ ưa thích các khóa học ngắn hạn đặt ra thách thức thu hút học viên vào các chương trình dài hạn (4-5 năm) về nghệ thuật. Dù cơ hội việc làm trong nghệ thuật và công nghiệp văn hóa là phong phú, nhưng đạt đỉnh cao nghề nghiệp không đơn giản và nghệ thuật chưa được xã hội ủng hộ mạnh mẽ.

Để ứng phó, nhà trường phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động, giảm bớt các học phần đơn ngành, đi vào chuyên sâu và ứng dụng, cũng như đẩy mạnh tư duy liên ngành.

PV: Thưa ông, trường có những kế hoạch để nâng cao vị thế và uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực ngành này trong cộng đồng quốc tế ra sao?

PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu: Trường kỳ vọng về việc xây dựng một cơ sở giáo dục mới đóng vai trò là địa điểm kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế giới của khoa học và nghệ thuật, giữa tri thức truyền thống và hiện đại, giữa cách tiếp cận đơn ngành và liên ngành, giữa quan điểm đào tạo và nghiên cứu mang định hướng lý thuyết và ứng dụng; giữa triết lý sáng tạo vị nghệ thuật và vị nhân sinh. Chúng tôi hướng tới hệ sinh thái sáng tạo rộng mở, đặc biệt có khả năng dẫn dắt trong việc cùng chung tay đào tạo nên một tầng lớp sáng tạo mới phục vụ phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam và hội nhập với dòng chảy phát triển toàn cầu. Tất cả những điều này phần nào được cụ thể hóa thông qua khẩu hiệu hành động và các giá trị cốt lõi mà nhà trường hướng đến.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.