Bắt đầu từ con số 0

Năm 2010 đánh dấu Viettel chính thức tham gia vào lĩnh vực CNQP, với việc bắt tay vào nghiên cứu hệ thống cảnh giới vùng trời. Khi đó, trên thế giới chỉ có 8 nước sở hữu các tổ hợp CNQP lớn có năng lực thực hiện. Sau 14 năm, lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao giờ đã là một trụ cột phát triển của Tập đoàn với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Nhiều sản phẩm công nghệ quân sự và dân sự “Make in Vietnam” ra đời.

Khát vọng của Viettel khi dấn thân vào lĩnh vực CNQP là góp phần bảo vệ đất nước, phục vụ Quân đội. Đóng góp vào sứ mệnh này phải kể đến vai trò của các đơn vị: Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), Tổng công ty Sản xuất Thiết bị Viettel (VMC-sáp nhập từ hai công ty M1 và M3) và Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX).

Hợp nhất từ các trung tâm nghiên cứu trước đó, VHT hiện là đơn vị chủ chốt của Tập đoàn trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao ở lĩnh vực quân sự, dân sự và viễn thông, với 50 chủng loại sản phẩm quân sự trong 10 lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao. Đứng trong danh sách 80 doanh nghiệp công nghệ quốc phòng trên toàn thế giới năm 2030 là tầm nhìn Tập đoàn Viettel giao phó cho VHT.

Để chứng minh được năng lực, đội ngũ kỹ sư của Công ty đã trải qua cả một quá trình tận hiến, trăn trở tìm cách vượt qua hàng loạt thách thức. Quay trở lại năm 2015, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi ấy là Đại tướng Phùng Quang Thanh đã giao nhiệm vụ tới lãnh đạo Tập đoàn Viettel nghiên cứu hệ thống ra-đa quản lý bờ biển để trang bị cho Quân chủng Hải quân. Khi đó, hiểu biết, kinh nghiệm của các kỹ sư VHT về vấn đề này đều là con số 0: Chưa từng nghiên cứu hệ thống tương tự và không hề có tài liệu tham chiếu, hiểu biết về thực địa cũng rất hạn chế.

leftcenterrightdel

Tổ hợp đài ra-đa và quang điện tử do Viettel nghiên cứu, phát triển với khả năng phát hiện, bắt bám những mục tiêu cực nhỏ. Ảnh: THU HƯƠNG

Tổng giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà nhớ lại về cảm hứng mà đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng (lúc ấy là Tổng giám đốc Viettel, nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tạo nên khi đặt ra một loạt câu hỏi dồn dập cho nhóm đề tài là các kỹ sư trẻ: “Phần ăng ten chúng ta làm được không?”; “Phần thu, phát làm được không?”; “Phần xử lý tín hiệu làm được không?”. Câu trả lời đều là: “Có thể làm được”. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng hỏi tiếp: “Vậy tại sao các em lại sợ? Nếu việc xử lý tín hiệu còn những khó khăn thì anh cho phép các em đi khắp thế giới để xem người ta làm bằng cách nào”.    

6 tháng tiếp theo, cả nhóm bám bờ biển liên tục, vừa phát sóng trực tiếp vừa hiệu chỉnh sản phẩm. Trước khi có sản phẩm hoàn thiện cuối cùng, đã có 36 phiên bản được thiết kế để đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra. Ngày nay, hệ thống đài ra-đa cảnh giới bờ biển sinh ra từ những ngày lăn lộn với thực tiễn đó đã được VHT trang bị tới 5 Vùng Hải quân, trở thành con mắt canh biển Việt Nam. 

Đại tá Ngô Thành Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý dự án VQ2 nhấn mạnh, sự trưởng thành trong nghiên cứu khí tài của VHT ngày hôm nay khẳng định niềm tin của Đảng và Nhà nước dành cho Viettel là đúng đắn. Minh chứng tiêu biểu là hai công trình thuộc lĩnh vực quân sự do tập thể cán bộ, kỹ sư, nhân viên VHT nghiên cứu đã vinh dự đón nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học-công nghệ năm 2022.

Những trang thiết bị quân sự “Make in Vietnam” sản xuất bởi người lính Viettel dần vươn tầm khu vực. Hai năm qua, tham gia các triển lãm quân sự hàng đầu thế giới tại Ba Lan, Thái Lan (năm 2023) và Malaysia (năm 2024) với vai trò gian hàng quốc gia Việt Nam, VHT bắt đầu con đường trở thành nhà kinh doanh CNQP trên thị trường quốc tế.

Tháng 4-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến làm việc tại Viettel đã đánh giá cao những bước phát triển đột phá trong hoạt động nghiên cứu sản xuất CNQP công nghệ cao của Tập đoàn thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu Viettel phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Viettel cần phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn hiệu quả và phong phú hơn.

Đến làm chủ công nghệ lõi

Được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quan trọng của đất nước, VTX là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất một số vũ khí chiến lược cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ban đầu, nhiệm vụ giao cho VTX về phát triển hệ thống tổ hợp thiết bị quân sự công nghệ cao bị coi là không khả thi, khả năng thành công rất thấp. Hàng không vũ trụ là lĩnh vực còn mới và phức tạp, chi phí đắt đỏ, lại đòi hỏi công nghệ và trình độ cao. Việc tiếp cận công nghệ trong lĩnh vực này cũng vấp phải vô số trở ngại, bởi tính bảo mật cao, các quốc gia không chuyển giao.

leftcenterrightdel
UAV do Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) sản xuất được đánh giá cao. Ảnh: THU HƯƠNG 

Để đạt được thành công trong lĩnh vực đầy khó khăn và thử thách này, điều cốt lõi là phải chọn được hướng đi đúng và cách làm phù hợp. “Đó là làm chủ được thiết kế hệ thống, làm chủ tích hợp hệ thống và làm chủ các công nghệ lõi của sản phẩm”, Thượng tá Vũ Tuấn Anh, Viện trưởng VTX nhấn mạnh.

Về cách làm, VTX xác định đi từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó; dùng các công nghệ tiên tiến của thế giới như mô hình mô phỏng, sử dụng hệ thống siêu máy tính. Cách làm này vừa góp phần tăng số lần thử nghiệm, rút ngắn quá trình nghiên cứu, đồng thời tối ưu chi phí. Thành tích xuất sắc của VTX được ghi nhận bằng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng vào năm 2022.

Cùng với VHT và VTX, VMC cũng tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, sản xuất trang thiết bị, khí tài thông tin liên lạc quân sự, tác chiến điện tử và ra-đa, máy tính chuyên dụng; sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ bảo đảm kỹ thuật khí tài thông tin liên lạc và phục vụ các dự án quân sự, quốc phòng. Đến nay, các trang thiết bị quân sự như mô phỏng xe tăng, mô phỏng Su-30, thiết bị trinh sát ảnh nhiệt, quang điện tử tầm xa... đã khẳng định tinh thần “chủ động-sáng tạo-tự lực-tự cường” của Viettel trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và tích hợp các sản phẩm công nghệ cao phục vụ CNQP và hàng không vũ trụ, nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo đảm cho thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

(còn nữa)

MINH HÀ - DIỆU LINH 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.