Chủ động chọn việc khó

Từ thế bị động bị đẩy vào việc khó, sau này, Viettel chủ động chọn việc khó. Năm 2006, khi mới kinh doanh viễn thông được hai năm, Viettel lại tự chọn một việc khó khác là đầu tư ra nước ngoài. Nhiều người cho đó là một bước đi mạo hiểm khi ngay tại sân nhà, Viettel còn chưa đứng vững. Một thị trường Việt Nam với hơn 84 triệu dân, tỷ lệ thâm nhập viễn thông lúc ấy còn chưa cao, dư địa phát triển còn dồi dào là điểm đến hấp dẫn của bất cứ nhà đầu tư nào.

Vậy tại sao Viettel lại đầu tư ra nước ngoài? Tiền đầu tư xây dựng mạng lưới ở thị trường Việt Nam vẫn còn đang phải trả chậm, nguồn vốn đâu để Viettel lại tiếp tục đầu tư sang Campuchia và Lào? Nhân sự của Viettel cũng mới chỉ chuyển từ mảng xây dựng sang làm kinh doanh, còn đang học hỏi từ cách xây dựng gói cước, chăm sóc và phục vụ khách hàng, làm sao có thể đi ra thị trường nước ngoài với sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, pháp lý?

leftcenterrightdel

Các kỹ sư Viettel nghiên cứu, phát triển những thiết bị của mạng viễn thông 5G. Ảnh: VŨ HƯƠNG

Từ láng giềng Campuchia, Lào rồi bước sang Haiti, Mozambique, Đông Timor, Burundi, Tazania, Peru và mới nhất là Myamar. Viettel lần lượt bước chân vào các quốc gia châu Á, châu Mỹ Latin đến châu Phi, cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ đứng tốp đầu trên thị trường viễn thông thế giới. Tinh thần, kỷ luật, ý chí quyết tâm của những người lính đã khiến Viettel không lùi bước. Nhiều kỳ tích đã được tạo ra ở các quốc gia Viettel đến đầu tư.

Sau 15 năm từ khi khai trương thị trường nước ngoài đầu tiên, Viettel đã trở thành nhà đầu tư quốc tế chuyên nghiệp, đứng số 1 ở 7/10 thị trường quốc tế. Doanh thu từ hoạt động đầu tư nước ngoài đạt hơn 3 tỷ USD (năm 2023), duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới, đem lại nguồn thu ngoại tệ hằng năm chuyển về Việt Nam lên tới 500 triệu USD.

Thành công của Viettel không chỉ thể hiện bằng hiệu quả kinh tế mà còn là tình cảm của bạn bè thế giới dành cho doanh nghiệp Việt Nam, đất nước, con người Việt Nam với cách kinh doanh đầy trách nhiệm, nhân văn.

Việc khó là động lực sáng tạo của Viettel

Đang rất thành công với viễn thông, Viettel quyết định chuyển dịch thành nhà cung cấp dịch vụ số. Từ đó, Viettel tập trung nguồn lực cho việc phát triển các nền tảng và sản phẩm công nghệ.

Thị trường có hàng chục nghìn công ty công nghệ, muốn tất cả cùng phát triển, Viettel chọn lối đi riêng, đó là đầu tư hạ tầng, cho thuê dịch vụ và "may đo" theo nhu cầu của từng khách hàng. Không tham gia vào những sản phẩm, nền tảng số đã có doanh nghiệp làm tốt, Viettel lựa chọn những cái khó ít người có khả năng đầu tư. Vai trò của một tập đoàn kinh tế lớn, Viettel thấy trọng trách của mình trong việc tiên phong và chủ lực xây dựng các nền tảng số quốc gia.

6 lĩnh vực mà Viettel xác định sẽ tập trung triển khai để hiện thực hóa khát vọng kiến tạo xã hội số ở Việt Nam đó là: Hạ tầng số, tài chính số, giải pháp số, nội dung số, an ninh mạng và nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

Nền tảng hạ tầng số với hàng trăm nghìn ki-lô-mét cáp quang đủ để quấn 9 vòng quanh trái đất đã được xây dựng. Tài chính số chỉ sau hai năm ra mắt, hệ sinh thái Viettel Money với hơn 24 triệu người dùng, chiếm 32% thị phần ví điện tử, 60% thị phần tiền di động. Nền tảng TV 360 sau hai năm ra mắt đứng vị trí số 1 về ứng dụng truyền hình số của Việt Nam. Hàng loạt nền tảng, giải pháp số cho chính phủ, giáo dục, y tế, giao thông, doanh nghiệp lần lượt được đưa vào vận hành. Lực lượng an ninh mạng tinh nhuệ tạo ra chiếc khiên vững chắc bảo vệ sự an toàn trên không gian số. Tất cả đang dần hiện thực hóa khát vọng kiến tạo xã hội số ở Việt Nam.

Việc khó giờ đã trở thành động lực sáng tạo cho Viettel. Bởi vậy, cùng với quá trình đầu tư ra nước ngoài, Viettel đã bắt đầu một việc khó khác, đó là dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất-một khát vọng được ấp ủ từ thuở hàn vi.

Đối diện với những hoài nghi về việc người Việt Nam có thể làm chủ nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao, Viettel lựa chọn lĩnh vực mình có hiểu biết nhiều nhất là thiết bị thông tin quân sự. Sau đó tiếp tục mở rộng dần ra các khí tài, trang thiết bị quân sự khác như hệ thống quản lý vùng trời quốc gia, radar, máy bay không người lái... Những thành quả ban đầu đầy khích lệ khiến Viettel quyết tâm sản xuất vũ khí chiến lược công nghệ cao nhằm bảo vệ nền hòa bình của đất nước.

Nghiên cứu, sản xuất vũ khí quân sự vốn là bí mật của mỗi quốc gia. Bởi vậy, Viettel hiểu rằng không thể trông đợi việc chuyển giao công nghệ cũng như không thể hợp tác, liên doanh. Không chỉ với quân sự, ngay cả đối với các thiết bị dân sự như thiết bị mạng viễn thông, công nghệ bán dẫn ... bài toán tự phải làm tiếp tục được đặt ra. Lại là những năm tháng tự nghiên cứu, tự thử nghiệm, tự vượt qua chính mình. Thách thức còn lớn hơn nữa khi thế giới trải qua hai năm Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine. Chuỗi cung ứng đứt gãy trên toàn cầu, nguyên vật liệu khan hiếm vẫn không làm nản lòng và ý chí của những người lính Viettel.

Khởi sự từ năm 2007, sau 17 năm, Viettel đã có hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao theo mô hình tác chiến hiện đại nhất trên thế giới, phù hợp với nhu cầu sử dụng, điều kiện tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam, một số có tính năng chiến-kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hơn so với sản phẩm cùng loại trên thế giới, bảo đảm tính bảo mật, tự chủ trong sản xuất, góp phần đáng kể nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng.

Viettel cũng khiến thế giới sửng sốt khi công bố bảng mạch và chip 5G tại triển lãm viễn thông lớn nhất thế giới MWC. Càng bất ngờ hơn khi Viettel đang là nhà mạng duy nhất trên thế giới sản xuất được thiết bị viễn thông. Viettel cũng đưa Việt Nam trở thành một trong 6 quốc gia đầu tiên trên thế giới làm chủ công nghệ 5G.

Từ một đội quân lao động sản xuất của Quân đội, Viettel giờ đã trở thành tập đoàn công nghệ toàn cầu với sứ mệnh quốc gia, dân tộc. Cuộc hành trình của Viettel được dựng nên từ khát vọng, đam mê, nỗ lực và cả sự dấn thân. Có lẽ cái khó nhất là Viettel luôn dũng cảm, chủ động thay đổi khi tổ chức đang rất ổn.

Nhìn lại chặng đường đã qua, cứ mỗi 10 năm, Viettel lại có sự chuyển mình về chất và lượng. Và sự chuyển mình ấy đều đến từ việc dám nhận những việc khó tưởng chừng như không thể vượt qua. Để phát triển, Viettel sẽ lại tiếp tục những khát vọng mới, nhận những nhiệm vụ mới, khó hơn, thách thức hơn, vượt qua giới hạn của mình. Nghĩ lớn, đặt mục tiêu xa, gánh trọng trách quốc gia với tư duy toàn cầu, đó là con đường mà Viettel chọn, bằng cả trái tim và khối óc.

(còn nữa)

MINH HÀ - DIỆU LINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.