“Con chưa bao giờ ngoan cô ạ”. Câu nói của cậu học trò lớp 10 mới vào trường như một lời thách thức với cô giáo là một ví dụ thực tế mà TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) đưa ra khi kể về hành trình chinh phục những “con ngựa” bất kham. “Tuần đầu tiên đi học, khi các bạn còn đang ngỡ ngàng với trường lớp thì con đã tát vào mặt một bạn trong lớp với lý do “bạn ấy trêu con”. Tiếp theo đó là bản sơ yếu lý lịch phạm lỗi, những phản ứng và thái độ chưa chuẩn mực của cậu bé với cả người trên... Câu chuyện sẽ dừng lại nếu học sinh bị đưa ra hội đồng kỷ luật và đình chỉ học tập vì những lỗi lầm đó, nhưng chính sự đồng hành, góc nhìn và thái độ của giáo viên đã giúp thay đổi một đứa trẻ”, thầy Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Tổ tâm lý Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức chuyên đề "Giáo dục ứng xử phòng, chống xung đột, bạo lực, bắt nạt học đường" cho học sinh. 

Một trong những nguyên nhân chính của bạo lực học đường là do học sinh thiếu kỹ năng sống. Do đó, cần phải tăng cường giáo dục kỹ năng này cho các em. Cách ứng xử của giáo viên chủ nhiệm trước các tình huống phát sinh trên lớp, đặc biệt liên quan tới hiện tượng học sinh bị bắt nạt, bạo lực, cần được đặc biệt lưu tâm. Từ việc hiểu được cảm xúc của học trò, thầy cô sẽ dẫn dắt cảm xúc đó để các em đi đúng hướng. Cả ban giám hiệu, bộ phận tâm lý giáo dục và thầy cô chủ nhiệm phối hợp vào cuộc cùng lúc. Càng can thiệp sớm thì bạo lực sẽ được ngăn chặn kịp thời, tránh xảy ra xung đột lớn sẽ dẫn tới những hậu quả không hay.

“Điều quan trọng là làm sao giúp các em không “đi chệch đường ray”. Nếu có em nào vi phạm kỷ luật nghiêm trọng thì hình thức kỷ luật cao nhất chỉ là cảnh cáo. Nếu đuổi học, vô hình trung chúng ta đẩy những “sản phẩm lỗi” ra ngoài xã hội, điều này nguy hiểm hơn”, TS Nguyễn Văn Hòa phân tích.

Bạo lực học đường không biến mất, mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Do đó, TS Nguyễn Văn Hòa đề xuất, ngoài bổ sung biên chế nhân viên tâm lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập huấn các khóa giá trị sống, kỹ năng sống cho giáo viên; tập huấn về tâm lý học cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trên cả nước. Từ đó giúp giải quyết được các vấn đề về tâm lý trong các nhà trường. Thậm chí, nên đưa vào chương trình đào tạo của các trường đào tạo ngành sư phạm. Điều đó sẽ giúp các trường có cách tiếp cận mới về tâm lý giáo dục.

Nhìn nhận nạn bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối cần được chặn tận gốc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường, nâng cao vai trò và kỹ năng xử lý vấn đề của giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò nòng cốt. Sứ mệnh của nhà giáo là vì sự tiến bộ của học trò. Họ không chỉ là nhà giáo dục mà phải là nhà tâm lý, để “sản phẩm” cuối cùng của giáo dục là những con người không chỉ thành công mà còn phải hạnh phúc trong cuộc sống.

Bài, ảnh: THU TRANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.