Hơn 9 điểm/môn vẫn trượt
Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm mầm non, tương đương 68,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), tăng 73.000 em so với năm 2023.
Điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dao động từ 22 đến 29,3 điểm. Hai ngành sư phạm Lịch sử và sư phạm Ngữ văn có điểm chuẩn cao nhất là 29,3 điểm, tương đương 9,76 điểm/môn. Sự tăng vọt điểm chuẩn này không chỉ diễn ra tại các trường lớn như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà còn ở các trường đại học khác.
Ví dụ, ngành Sư phạm Ngữ văn tại Trường Đại học Hồng Đức điểm chuẩn là 28,83 điểm, trong khi các ngành đào tạo khác của trường chỉ dao động từ 15 đến 16 điểm; cho thấy xu hướng cạnh tranh mạnh mẽ trong việc tuyển sinh vào các ngành sư phạm, đặc biệt là với tổ hợp xét tuyển khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và các tổ hợp liên quan.
|
|
Thí sinh trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm chuẩn khối C00 vào các ngành sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Lịch sử-Địa lý là 28,76 điểm, tăng 1,59 điểm so với năm 2023. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng ghi nhận mức điểm cao ở ngành quan hệ công chúng và báo chí, lần lượt là 29,10 và 29,03 điểm. Học viện Ngoại giao có 7/8 ngành khối C00 lấy điểm chuẩn từ 28,55 đến 29,2 điểm, với ngành Trung Quốc học có điểm chuẩn cao nhất là 29,2 điểm. Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng ghi nhận điểm chuẩn khối C00 cao, đặc biệt ngành luật và báo chí.
Xu hướng điểm chuẩn năm nay tăng cao, nhiều thí sinh hơn 9 điểm/môn vẫn trượt. Đặc biệt, việc “lạm phát” điểm 9 ở khối C khiến nhiều ước mơ dang dở dù sở hữu 28-29 điểm trong tay. Đây là một diễn biến khác thường so với những năm trước, đặt ra câu hỏi về tính hợp lý của điểm chuẩn năm nay. Chưa khi nào đỗ đại học dễ như bây giờ và cũng chưa bao giờ điểm cao gần như tuyệt đối mà vẫn trượt đại học như hiện nay, khiến nhiều học sinh và phụ huynh hoang mang, đặt câu hỏi giáo dục cứ đổi mới mãi nhưng hiếm khi mang lại sự yên tâm.
Điểm chuẩn tăng vì đâu?
Số lượng nguyện vọng 1 tăng, chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có xu hướng giảm ở nhiều trường, cùng sự cạnh tranh mạnh để vào các trường tốp đầu được cho là những nguyên nhân khiến điểm chuẩn vào nhiều ngành tăng cao. Một lý do quan trọng giải thích cho hiện tượng này là sự gia tăng đáng kể số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm, tăng đến 85% so với năm trước. Đồng thời, chỉ tiêu tuyển sinh lại giảm do nhu cầu thực tế đặt hàng của các địa phương. Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT cũng cho thấy số lượng thí sinh đạt điểm cao ở tổ hợp C00 tăng đột biến so với những năm trước, khiến điểm chuẩn tăng vọt. Có đến 160.000 thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên trong tổ hợp C00, cao gấp 3,8 lần năm 2023.
Với việc có hai ngành điểm chuẩn lên tới 29,3, tức bình quân mỗi môn thí sinh đạt hơn 9,7 điểm vẫn có thể trượt, PGS, TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng nếu nhìn nhận việc tuyển sinh đại học mang tính chất lựa chọn từ trên xuống dưới thì việc nhiều thí sinh đạt điểm cao khiến những thí sinh tốp dưới mất cơ hội. Ngoài ra, chính sách tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào ngành sư phạm cũng góp phần làm tăng điểm chuẩn. Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào các ngành, trong đó một số ngành thuộc khối xã hội khiến tỷ lệ cạnh tranh trở nên căng thẳng hơn.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT nhấn mạnh điểm chuẩn xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT là dành cho số chỉ tiêu ít ỏi. Nhiều thí sinh có thể trúng tuyển với điểm thi thấp hơn thông qua các phương thức khác như xét điểm đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế hoặc học bạ. Khi chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi THPT ít, điểm chuẩn sẽ cao. Để minh bạch hơn, các trường nên công bố số chỉ tiêu cho phương thức này khi công bố điểm chuẩn.
Sự biến động này cũng phản ánh một thực tế rằng điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng không phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc, nhằm mục tiêu xét tuyển đại học, đặc biệt với các ngành có tính cạnh tranh cao. Việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học ban đầu chỉ là giải pháp tạm thời trong thời điểm giao thời, nhưng hiện nay, nó đã trở thành một tiêu chí chính, dẫn đến những kết quả tuyển sinh bất ngờ và khó dự đoán. GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất: “Nếu có thể, chúng ta cần phân hóa đề thi cao hơn nữa để không chỉ xét tốt nghiệp THPT mà còn giúp các trường đại học xét tuyển đầu vào, nhất là các trường đại học tốp trên".
PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, các trường có quyền tự quyết phương thức tuyển sinh và phải bảo đảm công bằng giữa các nhóm thí sinh. Tuy nhiên, trong những năm qua, số lượng chỉ tiêu dành cho các phương thức xét tuyển sớm khá lớn, ảnh hưởng đến chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, góp phần làm tăng điểm chuẩn. Vì vậy cần điều chỉnh để bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Đây sẽ là một điểm quan trọng trong sửa đổi quy chế tuyển sinh sắp tới.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: "Bộ cần thêm thời gian để phân tích dữ liệu tuyển sinh trước khi đưa ra đánh giá chính xác về điểm chuẩn, ngành nghề và số lượng thí sinh đăng ký, nhập học. Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác tư vấn hướng nghiệp và thông tin ngành học đã được cải thiện, giúp các trường chất lượng và ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao thu hút nhiều thí sinh, từ đó tăng tính cạnh tranh. Một số ngành ít chỉ tiêu nhưng nhiều thí sinh đăng ký cũng khiến điểm chuẩn tăng".
Bài và ảnh: THU HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.