Trình bày chuyên đề về “Cân bằng giữa khai thác và thăm dò trong việc giải bài toán tối ưu hóa”, TS Trần Đăng Công, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Đại Nam cho biết, trí tuệ nhân tạo đã giúp con người khai thác bằng những thuật toán mở rộng và chuyên sâu. Các thuật toán tối ưu thông minh như: Thuật toán lấy cảm hứng từ sinh học; thuật toán lấy cảm hứng từ vật lý; thuật toán lấy cảm hứng từ địa lý; thuật toán lấy cảm hứng từ văn hóa xã hội. Kiến thức nền là một điểm cần chú trọng để có thể phát triển được khoa học công nghệ đỉnh cao.

TS Trần Đăng Công, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Đại Nam phát biểu tại hội thảo. 

Chia sẻ thêm ở hội thảo, TS Phạm Thế Truyền, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu đã đưa ra bức tranh tổng thể về ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc cảnh báo động đất, sóng thần tại Việt Nam. Những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển rất nhanh và trở thành một trong những công cụ mạnh mẽ trong nghiên cứu động đất, sóng thần. Đặc biệt, áp dụng học sâu dữ liệu địa chấn thu được từ điện thoại thông minh để đưa ra cảnh báo sớm động đất. Bên cạnh đó, các nghiên cứu ứng dụng AI cũng được tiến hành trong việc dự báo ngập lụt do sóng thần gây ra dựa trên các dữ liệu sóng thần và dữ liệu trắc địa.

Cung cấp thông tin về dùng AI để cánh báo sóng thần, TS Phạm Thế Truyền nói, đối với nghiên cứu ứng dụng AI trong lĩnh vực sóng thần chỉ thực sự bắt đầu sau thảm họa sóng thần xảy ra năm 2004 tại Indonesia. Trong giai đoạn này, các nghiên cứu ứng dụng AI tập trung trong việc dự báo thời gian và độ cao sóng thần cực đại tấn công vào bờ cho khu vực Ấn Độ Dương. Trong thời gian gần đây, các nghiên cứu ứng dụng AI cũng được tiến hành trong việc dự báo ngập lụt do sóng thần gây ra dựa trên các dữ liệu sóng thần và dữ liệu trắc địa. Ứng dụng AI trong nhận dạng động đất cũng được tiến hành áp dụng cho khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và lân cận.

TS Phạm Thế Truyền, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu trình bày tham luận tại hội thảo. 

Tiếp đó, TS Hoàng Xuân Hiển, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Đại Nam giới thiệu những bài toán, AI giải quyết trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh. Tại tham luận, TS Hoàng Xuân Hiển nhấn mạnh việc cải tiến công nghệ, mô hình trong việc vận hành một mô hình nông nghiệp thông minh tại Việt Nam.

Theo TS Hoàng Xuân Hiển điểm đặc biệt trong việc ứng dụng nông nghiệp thông minh sẽ mang lại lợi ích giúp quản lý hiệu quả, đảm bảo chất lượng, giảm chi phí, tăng năng suất và hỗ trợ quá trình tiêu chuẩn hóa. Trí tuệ nhân tạo và học máy có thể được tích hợp vào hệ thống nông nghiệp thông minh để nâng cao hiệu suất: Giám sát cây trồng và phát hiện bệnh tật; dự đoán và tối ưu hóa năng suất; quản lý hệ thống tưới tiêu và phân bón; canh tác chính xác và tối ưu hóa tài nguyên; kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại; thu hoạch với robot; đưa ra dự đoán và hỗ trợ quyết định; vòng phản hồi và cải tiến liên tục. Khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ cho ra sản phẩm công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo. 

Tham gia tham luận tại hội thảo, TS Trần Đức Minh, giảng viên Trường Đại học Phenikaa đã đưa ra góc nhìn riêng về một số hướng nghiên cứu và ứng dụng hệ cơ sở tri thức bản thể học. Trong một hệ cơ sở tri thức, ta quan tâm đến việc lấy tri thức hiện có để rút ra tri thức mới hoặc trả lời câu hỏi; rút ra tri thức mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu trong bản thể học; trả lời câu hỏi liên quan đến ứng dụng bản thể học. Ứng dụng vào trả lời câu hỏi, thiết kế bản thể học cho một lĩnh vực cụ thể phục vụ công tác truy vấn thông tin dựa trên dữ liệu suy luận tự động. Ứng dụng điều khiển, sử dụng bản thể học để sinh ra các thành phần điều khiển.

Tại hội thảo, các thầy cô, chuyên gia hàng đầu về công nghệ AI đã bày tỏ sự hào hứng về triển vọng ứng dụng của công nghệ trí tuệ nhân tạo trong tương lai, bên cạnh đó, các chuyên gia công nghệ nhấn mạnh cần có biện pháp kiểm soát để các công cụ AI phục vụ công việc, cuộc sống của chúng ta thay vì phụ thuộc vào chúng.

Tin, ảnh: PHONG HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.