Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết về vị trí, vai trò và thực trạng hợp tác giáo dục đại học giữa Việt Nam và Nga?

Đại sứ G.S.Bezdetko: Nga và Việt Nam đang duy trì các mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà khoa học và chuyên gia của Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học của Liên Xô và Nga.

leftcenterrightdel
Đại sứ Gennady Stepanovich Bezdetko. 

Hiện nay có hơn 3.000 công dân Việt Nam đang học tập tại Nga. Chính phủ Liên bang Nga hằng năm đều cấp hạn ngạch nhà nước cho việc đào tạo 1.000 công dân Việt Nam bằng nguồn tài chính từ ngân sách liên bang. Chúng tôi đánh giá hợp tác chung trong lĩnh vực giáo dục hết sức khả quan. Đây không chỉ nói về công tác đào tạo các chuyên gia để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về nhân lực có trình độ chuyên môn cao mà còn về việc phổ biến ngôn ngữ và nền văn hóa Nga tại Việt Nam. Điều này là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sâu rộng mối quan hệ song phương giữa hai đất nước chúng ta.

PV: Hiện nay, một số du học sinh đến Nga từ thập niên 2000 đã trở thành những người có tên tuổi, thành đạt trong sự nghiệp. Phải chăng, đây là minh chứng cho chất lượng giáo dục đại học của Nga hiện nay vẫn rất tốt?

Đại sứ G.S.Bezdetko: Trường đại học Nga vẫn giữ địa vị hàng đầu trên thế giới, trước hết là trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, vẫn có nhu cầu rất cao không chỉ ở Việt Nam và Đông Nam Á mà còn ở các khu vực khác trên thế giới.

Tiền đề cho sự phát triển thành công của nền giáo dục Nga là sự hội nhập hiệu quả của các cơ sở nền tảng có tính chất định hướng đã được đặt nền móng từ thời Liên Xô vào các xu hướng hiện đại trong việc ứng dụng toàn diện công nghệ cao cũng như đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Nga đang tiến hành hoạt động tích cực nhằm nâng cao chuyên môn của thành phần giáo sư-giảng viên, hoàn thiện cơ sở vật chất-học tập của các trường đại học và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc học tập, nghỉ ngơi của sinh viên.

Để nhận được thông tin cụ thể về các hướng đào tạo khác nhau tại đất nước chúng tôi, bất cứ ai có nguyện vọng đều có thể liên hệ với Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.

PV: Khó khăn dễ nhận thấy là tiếng Nga không còn phổ biến ở Việt Nam như trước đây. Vậy phía Liên bang Nga và Việt Nam đã có giải pháp gì cho vấn đề này, thưa ông?

Đại sứ G.S.Bezdetko: Tôi cho rằng, việc giảm sự quan tâm tại Việt Nam đến việc nghiên cứu tiếng Nga có tính chất tạm thời và là do việc thu hẹp cơ hội ứng dụng nó trên thực tiễn trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ chống lại Nga.

Xuất phát từ việc gia tăng một cách nhất quán số lượng du khách Nga đến Việt Nam, chúng tôi đang mong đợi sự gia tăng nhu cầu đối với nguồn nhân lực thông thạo tiếng Nga của các công ty du lịch địa phương đang sở hữu những khách sạn, nhà hàng. Hơn nữa, Chính phủ hai nước đang tích cực hoạt động giải quyết nhiệm vụ quảng bá tiếng Nga và nền văn hóa Nga tại Việt Nam. Chúng tôi đang xem xét các kế hoạch nâng cấp Phân viện Puskin tại Hà Nội thành một trung tâm khu vực về nghiên cứu tiếng Nga tại Đông Nam Á.

PV: Lợi thế của giáo dục Nga để các bạn trẻ Việt Nam lựa chọn sang Nga du học là gì, thưa ông?

Đại sứ G.S.Bezdetko: Việc đã nhận được bằng cấp giáo dục tại Nga bảo đảm cho các sinh viên-cùng việc nhận được trình độ chuyên môn nghề nghiệp tương ứng-việc tìm hiểu sâu sắc đất nước chúng tôi, nhân dân Nga đa sắc tộc và nền văn hóa Nga. Không phụ thuộc vào trường đại học được lựa chọn và địa phương nơi trường đại học này phân bố, các thanh niên Việt Nam có thể tận mắt thấy rõ cấp độ cao trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Nga với tư cách những chương trình giáo dục được đề xuất.

leftcenterrightdel

Trao giải cho các học sinh, sinh viên tham gia Cuộc thi Olympic tiếng Nga lần thứ 21, năm 2024. Ảnh: PHƯƠNG LY 

Và quan trọng hơn, nền giáo dục Nga vẫn là một thương hiệu nổi tiếng, có uy tín trên toàn thế giới, bằng cấp cho những người đã tốt nghiệp các trường của Nga như một tấm giấy thông hành tin cậy vào đời, mà trước hết đó là ưu thế khi tìm công việc.

PV: Đề nghị ông cho biết về cơ hội của sinh viên sau khi tốt nghiệp nếu họ có mong muốn ở lại làm việc?

Đại sứ G.S.Bezdetko: Sự di trú về lao động hiện nay là một hiện tượng vô cùng phổ biến, kể cả ở Nga. Tại đất nước chúng tôi đã tạo lập những điều kiện cần thiết nhất cho các công dân nước ngoài, trước hết là các chuyên gia nước ngoài chuyên môn cao có nguyện vọng làm việc trên lãnh thổ Liên bang Nga. Tất nhiên, với điều kiện họ phải tuân thủ luật pháp Nga.

Hiện có một cộng đồng người Việt Nam tương đối đông đang sinh sống tại Nga-cộng đồng này hòa nhập một cách sâu sắc vào xã hội Nga. Ban lãnh đạo hai nước đang dành một sự quan tâm thích đáng để hoàn thiện luật pháp về di trú. Tôi nghĩ rằng, tiềm năng trong sự phối hợp hành động trên hướng đi này là vô cùng lớn.   

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.