Chú trọng chất lượng đội ngũ giáo viên
Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) có 223 học sinh lớp 1. Theo bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường, để chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới trong năm học này, nhà trường chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, dành điều kiện tốt nhất cho khối lớp 1. Cùng với đó, để bảo đảm chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường được bồi dưỡng, tập huấn về chương trình GDPT mới. Quá trình tập huấn, nhà trường chú trọng đến việc định hướng cho giáo viên tăng cường tính chủ động sáng tạo, thay đổi phương pháp dạy học từ truyền đạt kiến thức sang tổ chức các hoạt động giáo dục, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 772 trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết: “Cả 5 bộ sách giáo khoa (SGK) được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các trường ở thành phố lựa chọn. Trước khi bước vào năm học mới, 100% giáo viên và cán bộ quản lý các nhà trường được tập huấn chương trình GDPT mới; 100% giáo viên lớp 1 được tập huấn chương trình SGK lớp 1. Trong năm học này, Sở GD&ĐT TP Hà Nội tập trung tập huấn cho đội ngũ giáo viên lớp 2 và lớp 6 nhằm đáp ứng đầy đủ nội dung chương trình mới theo chuẩn Bộ GD&ĐT quy định”.
 |
Tiết học môn Tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong năm học 2019-2020. |
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 38.000 học sinh lớp 1 với hơn 1.200 lớp. Bà Trần Thúy Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết: “Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang đã chủ động chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình GDPT từ năm học 2020-2021. Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học dành riêng cho lớp 1, sở đã tập huấn chương trình và SGK lớp 1 cho hơn 15.000 lượt cán bộ quản lý và giáo viên; đồng thời phối hợp với các quận, huyện, thành phố rà soát, sắp xếp đội ngũ bảo đảm đủ tỷ lệ và cân đối cơ cấu môn chuẩn bị cho năm học mới, trong đó ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện chương trình, SGK lớp 1, bảo đảm đủ tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp”.
Không để học sinh thiếu sách giáo khoa
Đánh giá về SGK mới, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: “Khác với cách tiếp cận của SGK hiện hành, SGK mới hướng người học tiếp thu kiến thức theo hướng chủ động hơn, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, từ đó hình thành năng lực, khơi gợi sự sáng tạo của học sinh. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có năng lực đáp ứng theo cách tiếp cận và định hướng của SGK mới. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới, Nghệ An đã tổ chức tốt các nội dung tập huấn cho 2.365 giáo viên tiểu học trên địa bàn tỉnh”.
Dù đáp ứng được yêu cầu về đội ngũ giáo viên nhưng theo ông Thái Văn Thành, hiện nay Nghệ An vẫn còn một số trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thiếu SGK, trong đó tập trung ở 5 huyện miền núi: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh Nghệ An có 532 trường tiểu học với 323.000 học sinh. Với quyết tâm không để học sinh không có SGK cho năm học mới, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đề xuất UBND tỉnh cấp ngân sách hỗ trợ 5 bộ SGK cho thư viện mỗi trường. Cùng với đó, sở cũng kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà xuất bản (NXB) hỗ trợ mỗi huyện từ 150 đến 300 bộ SGK cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Cùng với nỗ lực của các địa phương, theo tìm hiểu của phóng viên, để tất cả học sinh đều có SGK khi tới trường, NXB Giáo dục Việt Nam đã chủ động nhiều giải pháp hỗ trợ SGK cho các học sinh nghèo. PGS, TS Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: “Năm học này, NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức tặng SGK đối với con thương binh, liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng tủ sách dùng chung; mua SGK cũ tặng thư viện các trường học trên địa bàn khó khăn; phát động các phong trào quyên góp SGK, khuyến khích học sinh giữ gìn, bảo quản và sử dụng lại SGK”.
Đổi mới, bảo đảm chất lượng giáo dục
Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), năm học 2019-2020, toàn quốc có tổng số 282.968 lớp, với 8.756.621 học sinh tiểu học, tăng 276.644 em so với năm học trước. Năm học 2019-2020 là năm bản lề chuẩn bị những khâu cuối cùng để chính thức triển khai chương trình GDPT mới, bắt đầu từ lớp 1 nên trong năm học này, các địa phương và các nhà trường đã chủ động triển khai thực hiện lộ trình đổi mới để tạo tiền đề quan trọng cho năm học 2020-2021.
Nhiều địa phương đã tăng cường bổ sung, nâng cấp, duy tu cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện chương trình GDPT mới đối với cấp tiểu học. Vì vậy, về cơ bản, các địa phương đã bảo đảm tỷ lệ một phòng/lớp, tạo điều kiện thuận lợi tổ chức dạy học hai buổi/ngày. Số phòng học kiên cố hóa được tăng lên và cơ bản xóa được số phòng học tạm, phòng học mượn ở cấp tiểu học. Ông Thái Văn Tài cho biết: “Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm học 2019-2020, năm học 2020-2021, cấp tiểu học tập trung các điều kiện để triển khai chương trình, SGK GDPT mới đối với lớp 1 và chuẩn bị triển khai đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022 với một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, SGK theo chương trình GDPT mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả; thực hiện nội dung dạy học theo hướng tiếp cận chương trình GDPT mới; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá học sinh tiểu học”.
Nhiệm vụ đặt ra cho năm học mới của cấp tiểu học cũng là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành GD&ĐT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành ngay trước thềm năm học mới. Hy vọng rằng, với những nỗ lực của toàn ngành, của các địa phương và các nhà trường, chương trình GDPT mới sẽ được triển khai hiệu quả, tạo nền tảng học tập vững chắc cho học sinh trong những năm tới.
Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI