Việc giáo dục kiến thức cơ bản này giúp học sinh hiểu được sự phát triển của xã hội, văn hóa, chính trị qua các thời kỳ. Từ đó, trẻ có thể tự phân tích những hiện tượng, hành động của các đối tượng lịch sử ở những xã hội trước. Thông qua những kiến thức lĩnh hội, những kinh nghiệm được truyền tải của các thế hệ đi trước và vùng lãnh thổ khác nhau, trẻ sẽ có những hành trang, phương tiện cần thiết để có thể hiểu biết và giác ngộ về thế giới của ngày hôm qua, ngày hôm nay và cả tương lai.

Thế giới tương lai mà trẻ sắp bước vào với tư cách một công dân trưởng thành là sự tiếp nối của thế giới ngày hôm qua với những diễn biến có thể đã từng rất mâu thuẫn, thậm chí từng có xung đột đã để lại hậu quả nhiều năm về sau. Vì vậy, việc giảng dạy Lịch sử-Địa lý cho phép học sinh hiểu được bản chất của những vấn đề phức tạp tồn đọng từ hàng chục năm trước, thậm chí là hàng trăm năm hay hàng nghìn năm và có thể hơn thế nữa. Từ đó giúp những công dân tương lai xây dựng các cách nhìn nhận và suy nghĩ đúng đắn trước nhiều vấn đề xã hội phức tạp, giúp họ rút ra được kinh nghiệm để tránh lặp lại những sai lầm của lịch sử.

leftcenterrightdel

   Học sinh tại Trường Trung học Valin (TP La Rochelle) chuẩn bị nội dung thuyết trình lịch sử. Ảnh: sudouest.fr.

Vì thế, việc giảng dạy Lịch sử-Địa lý phải cho phép trẻ hiểu được rằng, mỗi hành động ngày hôm nay của mỗi cá nhân hoặc tập thể có thể ảnh hưởng đến xã hội nhiều năm sau này. Từ đó việc dạy môn học này cũng là dạy cho trẻ ý thức về tự do và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong đời sống xã hội hiện tại. Do đó, việc giảng dạy môn Lịch sử-Địa Lý không chỉ đơn giản là truyền tải kiến thức văn hóa-xã hội thuần túy mà nó còn góp phần vào sự phát triển trí tuệ của học sinh và giáo dục ý thức công dân.

Từ những lợi ích giáo dục trên, việc truyền tải kiến thức Lịch sử-Địa lý ở Pháp được chú trọng ngay từ những cấp học đầu tiên và là một trong 7 môn học nền tảng của kiến thức cơ bản mà trẻ có quyền được học ở trường, bao gồm: Tiếng Pháp, Ngoại ngữ, Toán học và Khoa học công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Lịch sử-Địa lý, Giáo dục công dân, Phát triển kỹ năng tự chủ và sáng tạo cá nhân.

Với việc xác định vai trò chính xác của môn học, ngay từ cấp tiểu học, trẻ bắt đầu được làm quen với những khái niệm lịch sử đơn giản cho phép xác định không gian, thời gian giúp trẻ nhận thức được sự tồn tại của các thời đại khác nhau. Trẻ được khám phá các hiện tượng khác trên thế giới. Từ đó trẻ học cách xây dựng, quan sát, so sánh, phân loại, thử nghiệm các hành động. Tất cả những hành động học tập này sẽ giúp trẻ vượt ra khỏi môi trường quen thuộc và tạo dựng thói quen đối mặt với thực tế. Vì vậy, trong những năm học này, các trường thường xuyên tổ chức môn học kết hợp với nhiều dự án giáo dục thực tiễn có sự hợp tác của các đối tác bên ngoài ngành giáo dục. Chẳng hạn, khi giáo viên dạy về thời kỳ đồ đá, nhà trường có thể kết hợp cùng viện bảo tàng tổ chức các buổi nói chuyện có sự góp mặt của những người làm công tác trong viện bảo tàng, thậm chí là các nhà khảo cổ học với các di sản được trưng bày ở các viện bảo tàng làm bằng chứng cho trẻ nhận biết. Kết thúc năm học, nhà trường và hội phụ huynh có thể kết hợp với viện bảo tàng tổ chức những buổi tham quan các địa danh khảo cổ học...

Vào các năm cuối cấp tiểu học và những năm học THCS, học sinh được học kiến thức sâu rộng hơn, kết hợp với việc thường xuyên phải làm bài thuyết trình với những chủ đề khác nhau về các giai đoạn lịch sử. Lúc này trẻ bắt đầu được tiếp cận kiến thức lịch sử một cách đa dạng và đầy đủ hơn thông qua những tác phẩm văn học, kịch, thơ, hội họa, âm nhạc... Nhờ đó, việc giáo dục lịch sử không đơn thuần là truyền tải kiến thức mà còn giúp trẻ phát triển năng khiếu nghệ thuật, văn hóa sâu sắc và toàn diện.

Giống như Việt Nam, giai đoạn THPT là giai đoạn học tập khá đặc biệt ở Pháp. Trẻ bắt đầu có định hướng nghề nghiệp khi chọn ban học. Có rất nhiều ban học ở Pháp ngoài những ban cơ bản như: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Khoa học thường thức, Kinh tế-xã hội, Thể thao... Bất kể ban học nào, Lịch sử-Địa lý vẫn là một trong 7 môn kiến thức cơ bản không thể bỏ qua. Tuy nhiên, tùy vào ban học, số lượng giờ học và kiến thức cần truyền tải sẽ khác nhau. Đối với Ban Khoa học tự nhiên, số lượng giờ học sẽ ít hơn so với Ban Khoa học xã hội và do đó, số lượng kiến thức truyền tải cũng sẽ ít hơn. Mục đích của giáo dục Lịch sử-Địa lý ở bậc học THPT chính là giáo dục học sinh trở thành những công dân có tư chất tích cực, hiểu biết và có khả năng thể hiện tư duy phản biện.

Với việc xác định rõ ràng vai trò của việc giảng dạy kiến thức lịch sử, Bộ Giáo dục Pháp luôn khẳng định dù với tư cách là môn học chính hay môn học phụ, Lịch sử-Địa lý vẫn là một trong 7 mảng kiến thức cơ bản cần được truyền tải đến những công dân tương lai của xã hội, giúp họ có được sự phát triển trí tuệ, ý thức công dân cũng như những năng khiếu văn hóa-nghệ thuật cơ bản. Đó chính là lý do mà cho đến bây giờ, không một chuyên gia nào có thể phủ nhận được vai trò của môn học này trong sự phát triển ý thức của xã hội Pháp.

QUYÊN GAVOYE (viết từ Cộng hòa Pháp)