Khi khái niệm bị đánh đồng
Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay ở bất cứ tỉnh, thành nào của Việt Nam, từ cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ cho đến siêu thị, trung tâm thương mại đều có thể dễ dàng tìm thấy nhiều sản phẩm ghi nhãn mác tự hủy, thân thiện môi trường với đa dạng xuất xứ, nguồn gốc. Các sản phẩm này có giá thành rẻ, tiệm cận với các sản phẩm nhựa truyền thống và chủ yếu là các sản phẩm nhựa thông thường, nhựa tự hủy OXO chỉ có khả năng phân rã thành vi nhựa độc hại mà không có khả năng phân hủy.
Là người thích mua sắm ở siêu thị, chị Nguyễn Thanh Hiền ở Phường 2, Quận 10, TP Hồ Chí Minh rất thích các sản phẩm tiện dụng làm từ nhựa thân thiện môi trường, từ các khay để cốc, rổ rá nhựa cho đến màng bọc thực phẩm, găng tay nylon… Nhưng khi được hỏi có biết gì về thành phần trong sản phẩm, ví dụ như OXO, hay không thì chị Hiền lắc đầu. Chị cho biết, trên một số sản phẩm có ghi chữ sản phẩm phân hủy sinh học, thân thiện môi trường OXO nhưng chị nghĩ đó là nhãn mác hàng hóa và hầu như không để ý đến nó.
 |
Sản phẩm tự hủy sinh học được bày bán tại nhiều siêu thị. Ảnh: MINH ĐỨC.
|
Những hiểu biết ít ỏi về các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường của chị Hiền cũng là tình trạng chung của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Đại đa số khách hàng (thậm chí cả người có chuyên môn) cũng khó phân biệt được sản phẩm nào thực sự có khả năng phân hủy và không gây hại cho môi trường. Nếu không thực sự tìm hiểu kỹ, chỉ nhìn bao bì và nhãn mác trên sản phẩm, rất nhiều người sẽ lầm tưởng về tác dụng thật sự và mức độ an toàn của các loại sản phẩm này. Họ tin rằng, các sản phẩm có nhãn mác ghi “phân hủy sinh học/tự hủy sinh học” sẽ không tác động và gây hại cho môi trường.
Sự “đánh đồng” thông tin về các sản phẩm thân thiện môi trường không chỉ gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng, tác hại đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường trong nước. Với giá thành rẻ lại được gắn mác thân thiện môi trường, sản phẩm làm từ nhựa tự hủy OXO đang được bày bán tràn lan và dễ dàng cạnh tranh với các sản phẩm có khả năng phân hủy thực sự vốn có giá thành cao hơn rất nhiều.
Nhận diện sản phẩm xanh
Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới xu hướng tiêu dùng xanh, việc có các quy chế, quy định rõ ràng sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng trước ma trận các sản phẩm xanh nhưng không thực sự thân thiện môi trường trên thị trường, đồng thời thúc đẩy, tạo đường cho việc sản xuất, phát triển sản phẩm xanh tại Việt Nam.
Để trở thành người tiêu dùng thông thái, khách hàng có thể nhận diện một số chứng chỉ quan trọng chứng nhận khả năng phân hủy sinh học, thân thiện môi trường của sản phẩm được in trên bao bì như: TCVN13114, DIN Certco, Seedling, BPI Compostable, OK Compost HOME, OK Compost Industrial…
 |
Người tiêu dùng có thể nhận biết sản phẩm xanh qua các chứng chỉ trong nước và quốc tế uy tín. Ảnh: MINH ĐỨC. |
Ngoài ra, khách hàng có thể nhận biết các loại sản phẩm thực sự thân thiện môi trường thông qua việc quan sát các thành phần in trên bao bì các sản phẩm. Đơn cử với sản phẩm nhựa tự hủy OXO trên thị trường dù có tên “sản phẩm nhựa tự hủy sinh học” nhưng thành phần thực tế trên bao bì ghi là PVC, HDPE, LDPE, PE và phụ gia OXO… Trong khi đó, các sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học thành phần in trên bao bì có thể là PLA, PBAT…
Hiện nay, xu thế ngành nhựa toàn cầu đang dần chuyển dịch sang sản xuất, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường. “Xu hướng tiêu dùng xanh phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cùng bắt tay vào cuộc chiến giảm tác động về vi nhựa/rác thải nhựa đến môi trường sống. Do đó, việc các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội, dịch chuyển đầu tư, cập nhật công nghệ sản xuất là điều cần thiết và cấp bách ngay lúc này”, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) cho biết.
Dưới góc độ là cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để tạo động lực cho các doanh nghiệp nhựa Việt Nam chủ động, sáng tạo phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường đồng thời quản lý ô nhiễm vi nhựa một cách hiệu quả, trước hết cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu dùng xanh, đồng thời nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại sản phẩm, hàng hóa có khả năng phát tán vi nhựa ra môi trường. Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Việt Nam nên tiến tới loại bỏ việc sản xuất, sử dụng sản phẩm nhựa tự hủy OXO vì sau một thời gian loại nhựa này chỉ bị phân rã thành các mảnh nhựa mà không phân hủy hoàn toàn.
TRẦN LONG