Khi mục đích kinh tế bỏ qua mối lo ô nhiễm môi trường

Từ lâu, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo về tác hại của nhựa tự hủy OXO đối với môi trường, cũng như khả năng gây nhầm lẫn giữa sản phẩm này với các sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học thật sự. Mặc dù biết rõ tác hại của nhựa tự hủy OXO nhưng vì mục đích kinh tế, nhiều công ty, doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất các sản phẩm dùng một lần làm từ loại nhựa có hại cho sức khỏe này. Đây thực chất là “nhựa tự hủy OXO gắn mác phân hủy sinh học” chứ không phải là sản phẩm có thể phân hủy sinh học như lời của các công ty quảng cáo. “Các bằng chứng hiện có cho thấy, sản phẩm có chứa nhựa tự hủy OXO không đạt được kết quả như những gì các nhà sản xuất tuyên bố, thay vào đó chúng còn gây ô nhiễm vi nhựa. Ngoài ra, loại vật liệu này không thích hợp để tái sử dụng lâu dài, tái chế hoặc làm phân trộn, do đó, chúng không thể đóng góp vào xây dựng nền kinh tế tuần hoàn”, Rob Opsomer, Trưởng nhóm Sáng kiến Hệ thống tại Quỹ Ellen MacArthur nhấn mạnh.

Lệnh cấm các sản phẩm từ nhựa tự hủy OXO có hiệu lực từ ngày 3-7-2021. Ảnh: AP. 

Về phần mình, ông Hasso von Pogrell, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhựa sinh học châu Âu (EUBP) quan ngại rằng, nếu sử dụng nhựa tự hủy OXO tràn lan sẽ gây khó kiểm soát các hạt vi nhựa trong môi trường. Do đó, ông Pogrell đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) cần đưa ra khái niệm phân biệt rõ ràng giữa nhựa phân hủy sinh học và nhựa tự hủy OXO, từ đó giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm một cách thông thái hơn.

Trước những bằng chứng cho thấy tác động tiềm ẩn từ các hạt vi nhựa, nhiều nước đã bắt đầu hành động để hạn chế việc sử dụng nhựa tự hủy OXO, đặc biệt là ở Liên minh châu Âu (EU). Tại Anh, các nhà bán lẻ như Tesco và Co-operative đã ngừng sử dụng nhựa tự hủy OXO khi sản xuất túi hành lý. Trong khi đó, Pháp đã cấm hoàn toàn việc sử dụng nhựa tự hủy OXO từ năm 2015. 

Tuy nhiên, nhựa tự hủy OXO vẫn được sản xuất ở nhiều nước châu Âu và được bán trên toàn thế giới với nhãn mác “nhựa có thể phân hủy sinh học một cách an toàn”. Thậm chí, một số quốc gia ở Trung Đông và châu Phi, trong đó có Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Saudi Arabia, Pakistan, Yemen, Bờ Biển Ngà, Nam Phi, Ghana và Togo vẫn đang thúc đẩy việc sử dụng nhựa tự hủy OXO.

Nói “không” với nhựa tự hủy OXO

Để tạo ra hệ thống sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường một cách hiệu quả, Sáng kiến "Nền kinh tế nhựa mới" của Quỹ Ellen MacArthur đã kêu gọi các nước cấm sử dụng bao bì làm từ nhựa tự hủy OXO. Sáng kiến này đã thu hút sự tham gia của hơn 150 tổ chức, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất nhựa hàng đầu, các hiệp hội ngành nhựa, các tổ chức phi chính phủ, nhà khoa học và các quan chức nghị viện, như: EUBP, M&S, PepsiCo, Unilever, Veolia, Tập đoàn tái chế Liên đoàn nhựa Anh, Hiệp hội Hóa dầu và hóa chất vùng Vịnh, Bao bì Nam Phi, Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF), Phòng thí nghiệm biển Plymouth,…

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đưa ra các chế tài cần thiết để giảm nguy cơ rác thải nhựa cũng được EU đặc biệt chú trọng. Ngay từ tháng 5-2018, EC đã đưa ra một đề xuất lập pháp nhằm tìm cách giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Theo Chỉ thị số 2019/904 về nhựa sử dụng một lần và ngư cụ của Nghị viện và Hội đồng châu Âu được ký ngày 5-6-2019, các quốc gia thành viên EU có 2 năm (tức là đến ngày 3-7-2021) để chuyển chỉ thị mới thành luật quốc gia. Nội dung của Chỉ thị trên nêu rõ: Giảm tiêu dùng đáng kể việc sử dụng hộp đựng thức ăn và cốc đựng đồ uống; Cấm đưa ra thị trường sản phẩm nhựa sử dụng một lần từ nhựa tự hủy OXO và nhựa EPS như tăm bông; nĩa, dao thìa, đũa; đĩa; ống hút; dụng cụ khuấy nước; que cắm bóng bay; hộp đựng thực phẩm, hộp/cốc đựng đồ uống và các sản phẩm làm từ nhựa phân hủy quang hóa… Chỉ thị cũng yêu cầu mỗi sản phẩm nhựa sử dụng một lần được đưa ra thị trường phải có nhãn dễ thấy, rõ ràng và không thể tẩy xóa trên bao bì hoặc trên chính sản phẩm để thông báo cho người tiêu dùng…

Sản phẩm nhựa tự hủy OXO không có khả năng phân hủy sinh học như quảng cáo. Ảnh: ĐỨC MINH

Nhằm thực hiện Chỉ thị trên của EC, ngày 22-5-2021, Đan Mạch đã ban hành Quy định BEK 1000 về việc cấm tiếp thị một số sản phẩm nhựa dùng một lần và các sản phẩm làm bằng nhựa tự hủy OXO. Latvia cũng thông qua Luật sản phẩm chứa nhựa, trong đó quy định các sản phẩm dùng một lần không được phép bán ở quốc gia này. Luật trên còn yêu cầu các nhà sản xuất phải cung cấp các sản phẩm không phải từ nhựa cho người tiêu dùng hoặc bán các mặt hàng nhựa có thể tái sử dụng. Các nhà sản xuất bao bì đồ uống sẽ phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định về lượng nhựa tái chế, bao gồm cả việc bao bì đó sẽ phải chứa ít nhất 30% nhựa tái chế kể từ ngày 1-1-2030.

Trong khi đó, Chính phủ Bồ Đào Nha đặt mục tiêu đến cuối năm 2026 giảm 80% việc sử dụng cốc nhựa đựng đồ uống và bao bì nhựa cho các loại thực phẩm ăn liền, và giảm 90% vào cuối năm 2030. Tại Hàn Quốc, từ năm 2022, các quán cafe và nhà hàng cũng bị cấm sử dụng các sản phẩm dùng một lần; có thể sẽ bị phạt nếu vi phạm nhiều lần… Hành động quyết liệt của các nước trên cho thấy mức độ nguy hiểm của nhựa tự hủy OXO với môi trường cũng như với sức khỏe người tiêu dùng.

Tại một hội thảo khoa học về nhựa, GS,TS Đặng Thị Kim Chi - đại diện Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường cho rằng, Việt Nam trong tương lai gần cũng không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới là cấm sử dụng và tiêu thụ túi nylon có chứa nhựa tự hủy OXO và chuyển sang sử dụng các loại túi chế tạo từ nhựa có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn.

“Một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa là cần nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn và đào tạo nguồn nhân lực trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện môi trường, trong đó có các sản phẩm chất dẻo tự phân hủy thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, GS Nguyễn Lân Dũng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường đề xuất.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, trong thời gian tới Việt Nam cần hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểm soát vi nhựa trong các sản phẩm, hàng hóa; chính sách về quản lý rác thải nhựa và vi nhựa từ giai đoạn sản xuất đến giai đoạn tiêu dùng và thải bỏ, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử của người tiêu dùng với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.

TRẦN LONG