Không giống như nhựa phân hủy sinh học (biodegradable plastic) thân thiện với môi trường, nhựa tự hủy OXO giống như “sát thủ” thầm lặng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Nhựa tự hủy OXO là gì?
Sự phát triển của ngành công nghiệp nhựa đã tạo ra nhiều sản phẩm tiện ích cho con người. Bên cạnh mặt tích cực của nó, ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa đang là vấn nạn với hành tinh con người. Thống kê cho thấy, hơn 80% rác thải ở biển là nhựa. Nguy hiểm hơn, hạt vi nhựa (microplastics) đã được tìm thấy trong các loài sinh vật biển, như: Phù du, động vật có vỏ, rùa biển, hải cẩu, cá voi, thậm chí trong cơ thể con người. Điều này đồng nghĩa rằng, trong chuỗi thức ăn của con người tồn tại các loại vi nhựa không được phân hủy trong môi trường tự nhiên.
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, các hạt vi nhựa được tìm thấy trong chuỗi thức ăn của con người phần lớn là do nhựa tự hủy OXO không phân hủy được trong môi trường tự nhiên. Nhựa tự hủy OXO được làm từ polymer thông dụng như PE, PP, PS và trộn với các chất phụ gia OXO (oxo-degradable) trong quá trình gia công. Khi gặp môi trường phù hợp như UV, tác động cơ học, các phụ gia này sẽ trở thành tác nhân oxy hóa, khiến cho nhựa nhanh chóng bị lão hóa, và phân rã thành những mảnh nhựa nhỏ, gọi là hạt vi nhựa.
 |
Hình ảnh mô phỏng từng khiến cả thế giới rúng động về tình trạng ô nhiễm vì rác thải trên đại dương. Ảnh: Greenpeace Philippines |
Những hạt vi nhựa này vẫn là các polymer gốc ban đầu (PE, PP, PS,…), có thời gian tồn tại rất lâu lên tới vài trăm năm. Chúng không có khả năng phân hủy sinh học và dễ dàng hơn trong việc phát tán vào môi trường sống của con người. Như vậy, về bản chất, nhựa tự hủy OXO vẫn là nhựa PE, PP, PS… thông thường và hoàn toàn không có khả năng phân hủy sinh học, mà phụ gia OXO thúc đẩy quá trình phân rã của nhựa thành các hạt vi nhựa nhanh hơn.
Các sản phẩm nhựa dùng 1 lần từ nhựa tự hủy OXO như hộp nhựa trong, thìa nhựa, hộp xốp, màng bọc thực phẩm, găng tay, bao bì… thường được quảng cáo là có thể phân hủy sinh học nhưng thực chất là hoàn toàn không thể. “Nhựa tự hủy OXO chỉ là vật liệu nhựa thông thường được thêm các chất phụ gia, do đó nó không có khả năng phân hủy sinh học mà chỉ có thể phân rã thành vi nhựa sau đó tích tụ, gây hại cho môi trường và quá trình xử lý rác thải cũng như tái chế hoặc ủ phân”, ông Hasso von Pogrell, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhựa sinh học châu Âu (EUBP) giải thích.
Hiểm họa tiềm tàng
Đồng quan điểm trên, báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) khẳng định rằng, nhựa tự hủy OXO không phân hủy sinh học, thậm chí còn có thể làm gia tăng tình trạng ô nhiễm vi nhựa. Lý do là vì nhựa tự hủy OXO phân hủy thông qua con đường oxy hóa rồi phân rã thành các hạt vi nhựa lẫn vào môi trường đất, sau đó theo nước mưa đi vào các dòng nước ngầm, sông, suối và cuối cùng là đổ ra biển.
Với các vi nhựa phân rã, hoạt tính bề mặt của chúng cao hơn nhiều so với vi nhựa nguyên phát – loại chủ đích được sản xuất với kích thước nhỏ (microbeads) như kem đánh răng, sửa rửa mặt, bột giặt, sơn… Do đó, vi nhựa bị phân rã dễ dàng được hấp thụ, xâm nhập vào tế bào động, thực vật, cơ thể con người và phát tán độc tố ra môi trường so với vi nhựa nguyên chất. UNEP cảnh báo, vi nhựa có thể tồn tại hàng trăm năm sẽ là “sát thủ” thầm lặng đối với môi trường, động vật và sức khỏe con người.
 |
Quá trình vi nhựa đi vào chuỗi thức ăn con người. Ảnh đồ họa: ĐỨC MINH. |
Tại Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 3-7-2021, các sản phẩm nhựa dùng một lần từ nhựa tự hủy OXO và nhựa EPS như đĩa nhựa, dao, thìa, dĩa, ống hút, que bóng bay, bông ngoáy tai đã bị cấm tiêu thụ. Lệnh cấm của Liên minh châu Âu được ban hành trong bối cảnh lo ngại về gia tăng ô nhiễm vi nhựa khi sử dụng các sản phẩm này. Các quốc gia khác như Đan Mạch, Latvia, New Zealand, Australia… cũng đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn với sản phẩm nhựa tự hủy OXO.
Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm vi nhựa đang ở mức đáng báo động. Một số nghiên cứu gần đây đã xác định được sự phân bố và hàm lượng vi nhựa trong các mẫu trầm tích và môi trường nước. Theo Tổng luận “Chính sách, pháp luật quản lý ô nhiễm vi nhựa trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam” do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) biên soạn năm 2021, tại 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam, đại diện cho 19 vùng nước mặt và 2 trầm tích bãi biển, nồng độ vi nhựa trong nước mặt dao động từ 0,35 đến 2,522 hạt/m3. So với môi trường của các quốc gia được liệt kê là thải nhiều nhựa nhất ra đại dương (năm 2010), mức nồng độ vi nhựa đo được ở Việt Nam đứng thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Philippines và Indonesia.
Mặc dù gây nguy hại đến môi trường, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững quốc gia, góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm vi nhựa nhưng cho đến nay nhựa tự hủy OXO chưa bị cấm sử dụng tại Việt Nam.
Có thể nói, chống rác thải nhựa đang là một trong những cuộc chiến “nóng” nhất hiện nay. Chuyển đổi sử dụng nhựa tự hủy OXO sang nhựa phân hủy sinh học thân thiện với môi trường là một trong những biện pháp cần thiết nhằm hạn chế rác thải nhựa và ô nhiễm vi nhựa. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là nâng cao ý thức của người tiêu dùng. Ưu tiên sử dụng sản phẩm nhựa phân hủy sinh học là sự lựa chọn thông minh, góp phần làm giảm nguy cơ từ rác thải nhựa ra môi trường.
TRẦN LONG