Nhiều cơ hội cho thí sinh

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có một số điều chỉnh mà thí sinh cần lưu ý. Đó là thí sinh dự tuyển đợt 1 đào tạo chính quy (bao gồm cả những thí sinh đã dự tuyển theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo) thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau không hạn chế số lượng, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Như vậy, trước đây các em đăng ký dự thi và xét tuyển vào cùng một thời điểm qua trực tiếp và trực tuyến, thì nay các em đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và dự thi xong, biết được khoảng điểm của mình, thậm chí là biết điểm rồi mới đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào đại học, cao đẳng. Thí sinh sẽ có khoảng thời gian để thay đổi đăng ký nguyện vọng.

 Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học năm 2022.

Một điểm mới nữa là các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh dù là theo phương thức nào (bằng học bạ, bằng điểm thi tốt nghiệp THPT...) đều vào cùng một hệ thống lọc ảo chung, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Như vậy, mỗi thí sinh sẽ đỗ vào một nguyện vọng được ưu tiên nhất của mình đã lựa chọn trong số tất cả các phương thức và các cơ sở đào tạo; không còn tình trạng một thí sinh đỗ vào nhiều trường ở nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như các năm trước, làm ảnh hưởng tới cơ hội của các thí sinh khác, cũng như gây khó khăn cho các trường.

Lưu ý về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Chỉ khi thí sinh đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thì việc xếp ưu tiên các nguyện vọng mới có ý nghĩa. Trước đó, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tại trường, nhưng cách xếp đó chỉ mang tính tham khảo, để các trường có danh sách trúng tuyển tạm thời và cập nhật lên hệ thống.

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định nguyên tắc “chỉ đỗ một nguyện vọng duy nhất” sẽ bảo đảm quyền lợi của thí sinh, bởi nếu thí sinh đỗ nhiều nguyện vọng mà chỉ nhập học một nguyện vọng sẽ lấy mất cơ hội của một số thí sinh khác. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn bảo đảm quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định, áp dụng các phương thức xét tuyển đa dạng với các đối tượng thí sinh đa dạng, đồng thời dự báo được chính xác số lượng trúng tuyển do số lượng thí sinh ảo giảm tối đa.

Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính cho rằng, phương thức lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT sẽ giúp thí sinh không rơi vào tình trạng điểm thi cao mà vẫn trượt như năm ngoái. Giải pháp này giảm thiểu tình trạng thí sinh ảo. Đây vốn là vấn đề “đau đầu” với các trường mỗi mùa tuyển sinh, nếu không tính toán được số lượng thí sinh ảo chính xác nhà trường sẽ có nguy cơ tuyển sinh thiếu hoặc thừa chỉ tiêu, từ đó có thể gây ra các hệ lụy không mong muốn.

Tiêu chí để lựa chọn

Với những điều chỉnh như vậy, xem ra cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng của thí sinh được gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, ngoài việc đủ điểm trúng tuyển, quá trình thí sinh chọn ngành, chọn trường cần ưu tiên yếu tố gì, làm sao hiểu năng lực bản thân, biết mình thích gì để có lựa chọn khoa học và chính xác thay vì cảm tính cũng là vấn đề nhiều em băn khoăn, lo lắng.

Trong thời buổi hội nhập, các nhà tuyển dụng ngày càng có những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn với sinh viên vừa ra trường. Vì vậy, các em phải chuẩn bị hành trang tốt nhất ngay từ khi bắt đầu chọn trường. Để xác định được ưu tiên khi quyết định, tùy theo định hướng học tập thí sinh cần xem mức độ yêu thích của mình với ngành nghề. Điều này giúp các em thêm động lực vượt qua khó khăn, cũng như thôi thúc những ham mê trải nghiệm trong suốt thời gian học.

Tiêu chí tiếp theo là chọn trường. Trường có chất lượng tốt sẽ trang bị cho người học nền tảng kiến thức vững vàng, hệ thống kỹ năng mềm thiết yếu và trải nghiệm tốt nhất. Cùng với đó, trường có cơ sở vật chất tốt sẽ giúp việc tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn, trực quan hơn. Một điều mà ít thí sinh lưu ý, đó là tìm hiểu về các hoạt động giáo dục ngoài giờ học, các phong trào sinh viên. Đây là nội dung khiến việc học bớt áp lực, tăng cơ hội giải trí, giao lưu, từ đó hình thành kỹ năng thiết yếu khác.

Cuối cùng, thí sinh cần tìm hiểu tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của trường mình muốn chọn. Trường đó có liên kết với doanh nghiệp tuyển dụng không, có mang đến cho người học nhiều cơ hội việc làm không, học bổng và các chế độ hỗ trợ chi phí học tập...

PGS, TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng: Lựa chọn ngành nghề nào phải dựa trên thông tin về ngành nghề đấy. Nhiều trường đại học hiện có các công cụ khách quan hỗ trợ việc lựa chọn nghề nghiệp. Thí sinh có thể tự trắc nghiệm thiên hướng nghề nghiệp của mình qua bộ Trắc nghiệm hướng nghiệp của John Holland.

Tuy nhiên, các công cụ hỗ trợ khách quan này chỉ mang tính tham khảo. Một số trường hiện đã tổ chức các hoạt động hướng nghiệp để học sinh biết về ngành nghề đó khi ra trường làm những công việc gì, cần trang bị những kiến thức thế nào. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu có các chương trình tham quan trải nghiệm doanh nghiệp.

Ở góc độ nhà quản lý, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, khi tìm hiểu về một ngôi trường, thí sinh nên nhìn vào mức độ minh bạch thông tin của trường đó. Nếu trên trang web của nhà trường có đầy đủ thông tin mà mình trông đợi, đó là biểu hiện rất tốt để thí sinh có thể so sánh giữa các cơ sở đào tạo với nhau.

Thí sinh cũng có thể nhìn vào thông số giảng viên, cơ sở vật chất, thư viện, nguồn học liệu có thể tiếp cận... Một khi đã có công cụ rõ ràng để đối chiếu, thí sinh sẽ biết điều gì là tốt nhất cho bản thân. Ngoài ra, người học có thể xem xét cơ sở giáo dục đó đã có kiểm định chưa, đã được các cơ quan chức năng công nhận về chất lượng các chương trình đào tạo hay không.

Việc sinh viên sau vài năm học tập mới nhận thấy mình chọn ngành không phù hợp và muốn chuyển sang ngành khác là điều không đặc biệt. Theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, nếu thấy không phù hợp, phải lựa chọn lại, các em cũng đừng quá lo lắng. Với những điều kiện và cách tiếp cận hiện nay, người học có những kỹ năng học tập suốt đời, khả năng tự học, tự nghiên cứu và trau dồi kỹ năng mới. Nếu thí sinh chưa biết mình đam mê gì, hãy xác định mục tiêu là học ngành mà tại thời điểm này em lựa chọn, học thật tốt, chắc chắn ngành nghề này sẽ tốt cho các em.  

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định: “Ngành nghề nào cũng rất cần thiết đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Có những lĩnh vực, ngành nghề chúng ta tưởng rằng rất khó khăn, vất vả nhưng thật ra đất nước đang rất thiếu và cần. Nếu là những người giỏi nhất trong lĩnh vực đó, các em sẽ có được chỗ đứng của mình trong nghề nghiệp, vừa có thành công cá nhân, vừa đóng góp xứng đáng cho đất nước”.

Bài và ảnh: THU HÀ