Với hơn 300 học sinh, chia thành hai khối giáo dục tiểu học và giáo dục đặc biệt, Trường Tiểu học Bình Minh không chỉ là ngôi trường mà còn là mái nhà thứ hai, nơi các em được yêu thương, chăm sóc và giáo dục để từng bước hòa nhập với xã hội. Đằng sau những giờ học, nụ cười và giọt nước mắt của các em là những khó khăn và thử thách không nhỏ mà các giáo viên ở đây phải đối mặt hằng ngày.

leftcenterrightdel

Lớp học của cô trò Trường Tiểu học Bình Minh luôn đầy ắp tình yêu thương. 

Những ngày này, không khí náo nhiệt tràn ngập các lớp học của những đứa trẻ đặc biệt khi các em chuẩn bị học vẫy cờ, hoa và cầm chong chóng cho ngày khai giảng. Mỗi em trong lớp đều có hành vi và dạng tật khác nhau, nhưng giữa cô và trò dường như có một sợi dây kết nối đặc biệt. Các em vui hay buồn cô đều nhận ra ngay. Để có được kết nối ấy, giáo viên không chỉ phải hiểu rõ từng mặt bệnh và biểu hiện của mỗi em mà còn phải nắm rõ hoàn cảnh gia đình. Lớp học của trẻ khuyết tật, với những đứa trẻ nhạy cảm, dễ tủi thân và cáu giận, luôn đầy ắp cảm xúc, nước mắt, niềm vui và tình yêu thương. Vì các em thường có phản ứng cảm xúc bất ngờ nên cô giáo phải luôn linh hoạt, đảm nhận vai trò “3 trong 1”: Thầy giáo, thầy thuốc và nhà tâm lý.

Cô giáo Trịnh Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường chia sẻ: “Thay vì áp dụng một phương pháp chung, giáo viên linh hoạt điều chỉnh theo từng giai đoạn phát triển của học sinh. Bằng kinh nghiệm, chuyên môn và sự tận tâm, các thầy cô đã giúp học sinh, cả khuyết tật và không khuyết tật, tiến bộ rõ rệt. Giáo viên chủ động nghiên cứu, thử nghiệm, kết hợp với tài liệu nước ngoài và sự hỗ trợ của chuyên gia để tạo cơ hội hòa nhập và phát triển kỹ năng xã hội cho học sinh. Trường cũng phải tự biên soạn chương trình giảm tải phù hợp cho học sinh khối tiểu học, do chưa có quy định cụ thể từ ngành giáo dục cho học sinh khuyết tật theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.

Chia sẻ thêm về kế hoạch học tập cá nhân, cô giáo Lê Thị Thúy Nga, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Học sinh có thể đạt trình độ lớp 2 ở môn Toán nhưng vẫn ở mức lớp 1 ở môn Tiếng Việt và ngược lại. Giáo viên phải xoay xở với những trình độ khác nhau trong cùng một lớp. Với đặc thù đó, việc tuyển được giáo viên là điều mà nhà trường luôn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tất cả vị trí giáo viên trợ giảng đều ở dạng hợp đồng và còn thiếu tới 4 vị trí".

Từ trăn trở đó, trường đã thuyết phục được 3 phụ huynh “đầu quân” về trường. Với tấm bằng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, cô giáo Đặng Thị Mai khó có thể hình dung một ngày mình từ bỏ công việc ở một công ty của Hàn Quốc về làm giáo viên trợ giảng ở Trường Tiểu học Bình Minh. Từ mong muốn hỗ trợ cậu con trai 12 tuổi vượt qua khó khăn của cuộc sống, với tất cả tình yêu của người mẹ, cô Mai đã đồng hành với nhiều trẻ khuyết tật khác suốt hai năm nay.

Năm học mới đã đến thật gần, điều mong mỏi của giáo viên Trường Tiểu học Bình Minh không gì hơn là giúp các học sinh nhận biết được giá trị của cuộc sống, biết ứng xử với những sự việc xung quanh. Đúng như tên gọi, Trường Tiểu học Bình Minh là nơi khởi đầu của những ngày mới, nơi tình yêu thương và sự tận tụy không ngừng lan tỏa.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.