PGS, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP Hồ Chí Minh:

Hành trang quan trọng của sinh viên trong quá trình lập thân, lập nghiệp

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả môn học GDQPAN, tôi cho rằng, trước khi bước vào môn học, việc đầu tiên là các trường phải quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho sinh viên hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của kiến thức QPAN trong thời kỳ đất nước bước vào hội nhập quốc tế. Nhà trường cần nêu bật những đặc điểm thuận lợi, khó khăn của môn học để sinh viên có bước chuẩn bị tốt mọi mặt. Khi tổ chức học tập tại trường hoặc các trung tâm GDQPAN, đội ngũ cán bộ, giảng viên cần có phương pháp truyền đạt phù hợp với đối tượng, chú trọng liên hệ các ví dụ sát thực tiễn chiến đấu của cha ông ta và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Cùng với tổ chức học tập nội dung GDQPAN cho sinh viên, nhà trường và các trung tâm cần kết hợp duy trì chặt chẽ các chế độ, nền nếp, kỷ luật như trong đơn vị quân đội.

 
Trong quá trình giảng dạy, cần lồng ghép nội dung môn GDQPAN với các dẫn chứng của môn học khác để kích thích sự tò mò, yêu thích và biến môn học trở thành một nhu cầu thực sự của sinh viên. Chẳng hạn, với việc dạy các môn về kinh tế, giảng viên phải nêu được mối liên hệ kinh tế với QPAN để khi sinh viên học môn GDQPAN sẽ có cái nhìn khái quát hơn và phát huy trách nhiệm của bản thân đối với môn học. Từ đó, sinh viên sẽ hiểu được bảo vệ Tổ quốc là những điều giản dị gắn với công việc của họ, đó là xây dựng tư tưởng vững vàng, học giỏi, lao động tốt. Kiến thức QPAN hôm nay sinh viên học là hành trang quan trọng của thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp, giúp các em có đủ khả năng sẵn sàng lên đường nhập ngũ khi Tổ quốc cần.

HÙNG KHOA (ghi)

GS, TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Tăng cường tổ chức các hoạt động thực tiễn để rèn luyện kỹ năng sống cho sinh viên

Môn học GDQPAN trong các trường học đại học, cao đẳng là môn học góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, trách nhiệm và bổn phận công dân đối với Tổ quốc cho sinh viên. Để sinh viên chú trọng môn học này, trước hết cần giáo dục, nâng cao nhận thức cho các em về ý thức chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc, tinh thần gắn bó với quê hương, cội nguồn. Để sinh viên yêu thích môn học này, cần nghiên cứu thay đổi phương pháp dạy học cho sinh động, hấp dẫn hơn. Thực tiễn chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc chúng ta có rất nhiều câu chuyện hay, bổ ích và rất có giá trị trong việc bồi đắp, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

 
Tôi cho rằng, ngoài nội dung chương trình đào tạo đã được xác lập, các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm GDQPAN cần tổ chức các hoạt động thực tiễn để rèn luyện thêm những kỹ năng sống cho sinh viên, giúp các em có những cơ hội trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm sống tốt hơn. Bên cạnh đó, cần có sự gắn kết môn học này với nhiều môn khác như: Lịch sử, Giáo dục Lý luận chính trị… và lồng ghép vào nội dung sinh hoạt cùng các hoạt động phong trào của đoàn thanh niên, hội sinh viên.

DUY VĂN (ghi)

Đại tá Đỗ Quốc Tam, Trưởng Khoa GDQPAN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội:

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dạy học

 
Để nâng cao chất lượng dạy học môn GDQPAN, cần phải có một đội ngũ cán bộ giảng dạy có đủ kiến thức, trình độ, năng lực, kinh nghiệm. Về cơ bản, hiện nay các trung tâm GDQPAN, khoa GDQPAN thuộc các trường đại học đều có đội ngũ cán bộ giảng dạy là sĩ quan biệt phái. Tuy nhiên, số lượng giảng viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, việc cần làm hiện nay là các trung tâm, khoa GDQPAN cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng. Muốn vậy, hằng năm cần tích cực tổ chức đào tạo bổ sung, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giảng viên cập nhật các thông tin, kiến thức mới, tăng cường hoạt động đổi mới phương pháp, trao đổi, nghiên cứu khoa học giảng dạy.

THANH QUẾ (ghi)

Đại tá Dương Văn Nhị, Trợ lý, Phòng Giáo dục Quốc phòng, Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu:

Bảo đảm trang thiết bị phục vụ học tập cho sinh viên

Có một thực tế là hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học môn GDQPAN cho sinh viên còn nhiều bất cập. Hệ thống thao trường, bãi tập, vũ khí trang bị, học cụ, trang phục chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của sinh viên. Một số trung tâm GDQPAN đã được thành lập từ khá lâu, song chưa xây dựng cơ sở vật chất, thao trường, giảng đường, bãi tập như: Trung tâm GDQPAN-Trường Đại học Tây Bắc, Trung tâm GDQPAN-Trường Đại học Hồng Đức... Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng học tập môn GDQPAN của sinh viên còn hạn chế.

 
Để khắc phục thực trạng này, chúng tôi đã tham mưu cho các cơ quan cấp trên bổ sung, nâng cấp trang thiết bị phục vụ dạy học; thay thế các trang thiết bị cũ, độ chính xác không cao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đề nghị với các cơ sở sản xuất trang thiết bị và mô hình học cụ khi bàn giao cho các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm GDQPAN phải có sự hướng dẫn, tập huấn chuyên môn trong bảo quản sử dụng. Phòng Giáo dục Quốc phòng cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng để tham mưu, đề xuất cơ quan cấp trên ban hành thông tư hướng dẫn về bảo quản vũ khí trang bị dạy học, bảo đảm trang phục cho sinh viên học môn GDQPAN.

CẨM PHONG (ghi)

GS, TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại:

Miễn học phí môn học GDQPAN để bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của sinh viên đối với Tổ quốc

Việc duy trì môn học GDQPAN cho đội ngũ sinh viên là hết sức cần thiết. Vì thế, tôi cho rằng, chúng ta nên tính toán đến việc cân đối và miễn học phí chương trình GDQPAN cho sinh viên. Bởi vì: Thứ nhất, trong những năm qua, việc bồi dưỡng kiến thức QPAN được tổ chức thường xuyên cho các nhóm đối tượng (đối tượng 1, 2, 3...) là cán bộ quản lý các cấp ở các cơ quan, tổ chức từ Trung ương tới các địa phương và các đối tượng này đều không phải đóng phí. 

 
Vậy tại sao sinh viên là nhóm đối tượng phụ thuộc tài chính vào gia đình thì lại phải đóng học phí? Chúng ta cần phải cân nhắc lại sự thiếu "đồng bộ" này chứ chưa nói đến mâu thuẫn. Thứ hai: Mặc dù khối kiến thức GDQPAN là một bộ phận cấu thành trong chương trình đào tạo, nhưng đây không phải là khối kiến thức ngành, chuyên ngành. Hay nói cách khác là không thuộc khối kiến thức đào tạo nghề cho người học. Điều bất hợp lý ở chỗ là người học phải trả phí cho các kiến thức để thực hiện nghĩa vụ công dân của mình đối với Tổ quốc. Vì vậy trên cơ sở đó, miễn học phí môn học GDQPAN cho sinh viên là hợp lý, hợp tình.

MINH ANH (ghi)

Nguyễn Thị Dung, sinh viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội):

Mỗi sinh viên cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm học tập môn GDQPAN

Từ thực tế học tập bộ môn GDQPAN, em thấy rằng, được học bộ môn này không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào đối với mỗi sinh viên. Qua môn học giúp chúng em được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về QPAN, huấn luyện, rèn luyện các kỹ năng quân sự để sẵn sàng lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.

 
Vì vậy, theo em, mỗi sinh viên cần phải nâng cao nhận thức, ý thức và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với môn học quan trọng này; đồng thời coi đây không chỉ là môn học điều kiện, mà là môn học trang bị những kiến thức hữu ích đối với bản thân trong cuộc sống. Em cũng kiến nghị nên đưa kết quả môn học GDQPAN vào bảng điểm học tập cuối khóa, qua đó tạo động lực cho sinh viên học tập tốt hơn môn học này.

THỦY SƠN (ghi)