Rà soát kỹ các phương án

Thời điểm này, các địa phương đã hoàn tất các phương án chuẩn bị tổ chức thi, từ cơ sở vật chất đến lực lượng cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố cũng tổ chức các đoàn kiểm tra tại cơ sở để rà soát, kịp thời phát hiện những vấn đề sai sót trong các khâu chuẩn bị cho kỳ thi để khắc phục kịp thời.

Theo kết luận kiểm tra công tác chuẩn bị thi, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sáng 4-7 của Sở GD&ĐT Bắc Giang, nội dung kế hoạch của các đơn vị đã bám sát văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cơ bản đã rõ người, rõ việc, rõ nhiệm vụ thực hiện, đặc biệt là những điểm mới trong triển khai thực hiện Quy chế thi năm 2022.

Toàn tỉnh Bắc Giang có 20.608 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có học sinh THPT có 17.725 em, giáo dục thường xuyên (GDTX) là 2.883 em; 646 thí sinh tự do (586 thí sinh THPT và 60 thí sinh GDTX). Kỳ thi được tổ chức tại 37 điểm thi với 888 phòng thi. Sở GD&ĐT huy động 2.974 cán bộ, giáo viên, nhân viên, lực lượng tham gia coi thi, đảm bảo an toàn cho kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (người ngồi) kiểm tra công tác triển khai thi THPT. Ảnh: Đức Trí

Cũng trong hôm nay, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhằm tập huấn nghiệp vụ liên quan đến công tác tổ chức thi. Các cán bộ tham gia hội nghị đều tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu kỹ quy chế thi, các tài liệu hướng dẫn, văn bản liên quan và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là bất cứ khâu nào dù nhỏ nhất, tránh ảnh hưởng đến kỳ thi.

Tại các điểm thi trên địa bàn tỉnh Nam Định, các thiết bị bảo vệ đã được lắp đầy đủ. Công tác tổ chức kiểm tra, rà soát các điều kiện, phương tiện tại các điểm thi được tiến hành; đồng thời triển khai công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị phòng, chống thiên tai, sẵn sàng tổ chức kỳ thi.

Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho biết: “Nam Định có 19.871 thí sinh đăng ký dự thi. Chúng tôi chia làm 35 điểm thi và chuẩn bị 35 điểm thi chính thức với 20 điểm thi dự phòng tại các điểm chính thức, điểm dự phòng thì đều có các phòng thi dự phòng. Có thể nói đến nay công tác chuẩn bị của chúng tôi đã tương đối hoàn tất”.

Là một trong những địa phương có số thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đông nhất, với gần 98.000 em, Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội đã điều động gần 13.500 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, gần 600 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để bảo đảm khách quan, thí sinh trong một quận, huyện, thị xã được bố trí thành một cụm thi, cán bộ coi thi không được coi thi tại địa điểm thi của học sinh trường mình. Theo quy chế thi, trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi không cùng một đơn vị. Mỗi phòng thi hai cán bộ coi thi ở 2 trường phổ thông khác nhau theo.

“Phương án dự phòng là mỗi một cụm thi bố trí 2 điểm dự phòng. Mỗi điểm thi ngoài các phòng chờ được bố trí theo quy định thì được bố trí 2 phòng thi dự phòng để tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, ông Trần Thế Cương cho biết.

Tập huấn phòng, chống gian lận công nghệ cao

Cùng với chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tổ chức thi, trong tuần vừa qua, Sở GD&ĐT nhiều địa phương đã tổ chức tập huấn về công tác thanh tra, về quy chế thi cho đội ngũ cán bộ tham gia kỳ thi. Một trong những vấn đề mà các địa phương đều quán triệt kỹ đến các cán bộ coi thi đó là phòng, chống gian lận công nghệ cao. Cùng với sự phát triển của công nghệ, việc gian lận trong thi cử ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Giáo viên lớn tuổi, không rành về công nghệ hơn lớp trẻ nên nếu chỉ dựa vào kiến thức, kinh nghiệm, sẽ khó phát hiện những gian lận ngày càng hiện đại này. Vì vậy, nhiều đơn vị đã phối hợp với cơ quan công an để chia sẻ về thông tin gian lận, nhất là công nghệ cao để giáo viên có cơ hội nhận diện và hình dung các thủ đoạn.

 Kiểm tra thiết bị kỹ thuật tại các điểm thi.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin: Để giáo viên, cán bộ coi thi làm quen và thích ứng với kỳ thi tốt nghiệp này, vừa qua tại kỳ thi lớp 10, tỉnh cũng đã áp dụng những phương thức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt khi tập huấn, chúng tôi nhấn mạnh thêm những điểm mới và phòng, chống gian lận công nghệ cao. Những điểm thi giáp đường, hoặc giáp nhà dân đã được lực lượng Công an tỉnh lên các phương án giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn và bí mật tuyệt đối trong kỳ thi.

“Chúng tôi cũng lưu ý các nhà trường, trong điều kiện trời mưa, các em học sinh phải đi ô hoặc áo mưa đến phòng thi, các em được bố trí để đồ ở đâu; trước khi bóc đề thi, giám thị bên ngoài sẽ hỗ trợ mang hết tất cả những vật dụng của thí sinh ra ngoài, bảo đảm là cách 25 mét theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là một phương án hỗ trợ phòng tránh thí sinh có thể sử dụng những thiết bị công nghệ cao”, ông Thái Văn Thành cho biết.

Để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Bộ GD&ĐT huy động khoảng 8.000 giảng viên đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra ở cả hai khâu tổ chức thi và chấm thi. Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi cũng tổ chức 5 đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn, tới kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các khu vực.

Qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, các đoàn kiểm tra cũng lưu ý địa phương rà soát các hoạt động cũng như trách nhiệm của tất cả các nhân sự tham gia vào quá trình tổ chức kỳ thi như in sao đề thi, vận chuyển, bàn giao đề thi và bài thi, y tế, điện lực, truyền thông… để kỳ thi diễn ra an toàn, trung thực và tin cậy.

Bài, ảnh: HƯỜNG HÀ