Sốt ruột chờ hướng dẫn
Chương trình GDPT 2018 đã triển khai được hai năm, theo lộ trình còn khoảng hai tháng nữa là chính thức thực hiện với lớp 10. Đến nay, các trường THPT đã hoàn tất việc xây dựng các tổ hợp môn, phương án tổ chức, tập huấn giáo viên và bắt đầu tuyển sinh lớp 10 với định hướng nghề nghiệp như mục tiêu của chương trình đưa ra. Việc thay đổi môn Lịch sử từ tự chọn trở thành có cả bắt buộc và tự chọn sẽ làm tăng số môn bắt buộc từ 7 thành 8 môn. Điều chỉnh này sẽ làm cơ cấu số tiết trong chương trình thay đổi, xáo trộn đến các phương án, chiến lược nhà trường đã chuẩn bị.
Trong tháng 7-2022, học sinh ở nhiều địa phương phải xác nhận nhập học lớp 10. Để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh, trước đó, các trường phải chốt phương án tổ hợp môn học, cơ cấu lớp 10 năm học 2022-2023 để học sinh, phụ huynh được biết và lựa chọn nguyện vọng. Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Những công việc mới phải chuẩn bị rất sớm nhưng hiện giờ chưa có gì trong tay. Vì thế, nhà trường chưa thể chốt được việc gì. Thời điểm này đã là rất muộn cho việc chuẩn bị nên trường tạm làm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-9-2020 về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Nếu có điều chỉnh gì, trường sẽ điều chỉnh sau, lúc đó chắc chắn sẽ rất vất vả cho nhà trường. Chương trình ổn định sớm thì trường cũng được ổn định sớm”.
 |
Học sinh tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: ĐỨC THUẬN |
Băn khoăn chưa biết chương trình sẽ thay đổi, thiết kế thế nào, theo cô Ngô Thị Thành, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội), nội dung môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018 rất khác trước, không bám theo thông sử mà thiết kế theo chủ đề, trong đó có những chủ đề được dạy ở bậc đại học chuyên về sư phạm lịch sử. Cách xây dựng như vậy không phù hợp với chương trình đại trà. Việc thay đổi chương trình có thể ảnh hưởng nhiều hơn với khối trường công lập dạy một buổi/ngày, còn Trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa là trường tự chủ, dạy hai buổi/ngày nên ít ảnh hưởng hơn.
Với những thay đổi như vậy, nhiều ý kiến mong muốn Bộ GD&ĐT cần sớm có quyết định và hướng dẫn về việc thực hiện chương trình để cán bộ quản lý, giáo viên trên toàn quốc chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai thực hiện chương trình với bậc THPT.
Đừng làm nửa vời
Thiết kế môn Lịch sử ở cấp THPT Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng phân hóa, chuyên sâu, không thể dạy đại trà. Chuyển môn học có cả phần bắt buộc và lựa chọn, nếu ép học sinh học sẽ phản tác dụng và hậu quả còn nặng nề hơn giai đoạn trước. Do đó, thay đổi vị trí môn học không thể chỉ là việc thay đổi từ ngữ mà phải xây dựng lại chương trình, sách giáo khoa (SGK). Nhiều ý kiến lo ngại trong thời gian ngắn như vậy liệu việc thiết kế lại chương trình, SGK có bảo đảm tính khoa học giữa bắt buộc và tự chọn; liệu cơ quan thực hiện có bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống như tinh thần của Nghị quyết 63?
Là giáo viên dạy Lịch sử, thầy Lê Đình Hiển, Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cảm thấy rất vui và háo hức đón chờ thay đổi từ Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, thầy Hiển cũng chia sẻ nhiều băn khoăn: “Nói môn Lịch sử đã trở về đúng vị trí và tầm quan trọng của nó hay chưa có lẽ hơi vội vàng, cần chờ xem Bộ GD&ĐT đưa ra thiết kế chương trình cụ thể mới có thể nhìn tổng quan được”.
Thầy Hiển phân tích thêm, trong Chương trình GDPT 2018, môn Lịch sử là môn lựa chọn, việc thiết kế chương trình môn học có nhiều điểm khác so với chương trình hiện hành. Theo đó, có hai phần được thiết kế gồm các chủ đề cốt lõi dành cho học sinh lựa chọn và các chuyên đề chuyên sâu cho học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn. Như vậy, những học sinh không lựa chọn môn Lịch sử sẽ không phải học bất cứ phần nào. Vậy, khi thay đổi theo Nghị quyết 63, phần bắt buộc sẽ gồm các chủ đề cốt lõi dạy đại trà cho tất cả học sinh phổ thông và phần lựa chọn gồm các chuyên đề chuyên sâu. Bố trí số tiết ra sao, những nội dung nào bắt buộc, tỷ lệ giữa bắt buộc và lựa chọn là bao nhiêu, các nội dung đó có bảo đảm tính liên tục và hệ thống của môn Lịch sử như là một môn khoa học cơ bản hay không, bố trí giáo viên như thế nào, SGK có cần thay đổi gì hay không, kiểm tra và đánh giá như thế nào với các nội dung lựa chọn và bắt buộc?... là những câu hỏi mà giáo viên đang rất băn khoăn.
Nhiều giáo viên dạy môn Lịch sử cho rằng, hiện tại vị trí của môn Lịch sử vẫn chưa rõ ràng, nếu thiết kế như trên nhưng vẫn không có sự thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá, chưa coi trọng vai trò của môn Lịch sử như là một môn học bắt buộc, bắt buộc thi thì sẽ xuất hiện tình trạng học đối phó. Như vậy, vị trí của môn Lịch sử vẫn luôn nằm ở nhóm môn phụ. Sẽ có ý kiến cho rằng, thay vì đòi hỏi bắt buộc, giáo viên dạy môn Lịch sử cần chú trọng trau dồi phương pháp, kiến thức và kỹ năng để thu hút, khích lệ học sinh. Nhưng “danh có chính, ngôn mới thuận”, khi môn Lịch sử có vị trí xứng đáng, giáo viên ắt sẽ phải thay đổi và xã hội cũng sẽ nhìn nhận đúng về tầm quan trọng của giáo dục lịch sử ở cấp phổ thông.
Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018 có tổng số tiết là 105, trong đó 70 tiết chủ đề, 35 tiết chuyên đề. Bởi vậy, số tiết bắt buộc cần bố trí sao cho môn học “có đầu, có đuôi”. Nếu phần bắt buộc ít quá thì “chỉ là cách làm nửa vời, làm cho có” và làm khó cho cả người dạy, người học. Một chuyên gia giáo dục gợi ý điều chỉnh số tiết học ở phần bắt buộc ít nhất bằng số tiết môn Lịch sử của chương trình hiện hành và giảm yêu cầu cần đạt ở những nội dung cốt lõi dạy đại trà. Như vậy, việc điều chỉnh lại chương trình, SGK sẽ không gây nhiều xáo trộn. Từ chỗ 7 môn bắt buộc với 5 môn lựa chọn từ 3 tổ hợp môn của chương trình mới, khi môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc thứ 8, sẽ lấy 4 trong 10 môn còn lại thành môn lựa chọn và không nên chia tổ hợp như trước. Cách sắp xếp này sẽ tránh tình trạng có tổ hợp quá nhiều người chọn và ngược lại; các trường cũng đỡ vất vả hơn trong việc bố trí tổ hợp.
Ngay sau Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV bế mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, bộ thực hiện các chỉ đạo cũng như tiếp thu tối đa ý kiến của người dân, lên kế hoạch bố trí phần giáo dục lịch sử, bao gồm phần bắt buộc và phần lựa chọn, bắt đầu áp dụng từ năm học 2022-2023. Việc bố trí này trong khung thời gian cho phép của năm học, bảo đảm tính khả thi. Trao đổi với phóng viên, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, thời điểm này, bộ đang khẩn trương xây dựng các phương án trình Chính phủ. Sau khi có phương án chính thức, bộ sẽ sớm hướng dẫn để các nhà trường thực hiện thuận tiện.
THU HÀ