Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đề xuất trao quyền xác nhận hoàn thành chương trình THCS và cấp bằng tốt nghiệp THPT cho hiệu trưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm. 

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Tôi cho rằng đây là một đề xuất tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục hiện nay. Việc trao quyền cho hiệu trưởng các nhà trường không chỉ phản ánh đúng thực tế công tác hành chính trong giáo dục mà còn góp phần tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục.

Khi hiệu trưởng là người trực tiếp xác nhận hoàn thành chương trình hay cấp bằng tốt nghiệp, điều đó đồng nghĩa với việc nhà trường, đội ngũ giáo viên phải thực sự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, về kết quả đầu ra. Hiệu trưởng sẽ phải kiểm tra, đánh giá chặt chẽ hơn về quá trình giảng dạy và sự phát triển của học sinh. Điều này cũng tạo điều kiện để nâng cao năng lực lãnh đạo chuyên môn của hiệu trưởng, thúc đẩy xây dựng một môi trường học tập tích cực, lấy người học làm trung tâm.

PV: Thưa ông, cùng với sự ủng hộ thì còn nhiều ý kiến băn khoăn rằng việc này khiến gia tăng áp lực cho ban giám hiệu và giáo viên; lo ngại về tính minh bạch, công bằng trong việc xét tốt nghiệp. Ông có thể chia sẻ về những lo ngại này?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Đây là lo ngại có cơ sở, bởi chắc chắn áp lực sẽ tăng lên, đặc biệt là đối với ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chính áp lực đó là động lực tích cực để các nhà trường nâng cao năng lực quản trị, xây dựng hệ thống đánh giá nội bộ minh bạch và hiệu quả hơn. Chúng ta cũng không sợ tiêu cực hay ngại việc thiếu minh bạch. Chúng ta cần xem đây là thời cơ, là cơ hội của các nhà trường. Khi hiệu trưởng là người trực tiếp cấp bằng hay xác nhận kết quả học tập, họ sẽ không thể né tránh trách nhiệm trước học sinh, phụ huynh và xã hội. Điều này sẽ buộc nhà trường phải minh bạch hóa quy trình đánh giá, hạn chế tình trạng hình thức, qua loa trong xét công nhận kết quả học tập. Về lâu dài, chất lượng thực sự của học sinh và uy tín của nhà trường sẽ là yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin xã hội. Mỗi chữ ký của hiệu trưởng sẽ tạo ra chất lượng thương hiệu của nhà trường, từ đó nâng cao trách nhiệm giữ gìn và quảng bá thương hiệu.

Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) tham gia Cuộc thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá. Ảnh: KIỀU NGUYỄN 

PV: Theo ông, để đề xuất này được thực thi hiệu quả trong thực tiễn, chúng ta cần quan tâm những vấn đề gì nữa?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Đây là cơ hội để xây dựng một nền giáo dục nhân văn, hiện đại và hội nhập, giúp mỗi học sinh được học tập và phát triển toàn diện, đánh giá thực chất, còn mỗi nhà giáo trở thành người dẫn đường, đồng hành trên chặng đường hướng tới tương lai. Vì thế, trước hết, chúng ta cần tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là hiệu trưởng các nhà trường. Việc trao quyền phải đi kèm với trách nhiệm, do đó người đứng đầu nhà trường phải có đủ năng lực quản trị, hiểu biết sâu sắc về giáo dục và tâm lý học sinh. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện giữa các địa phương, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, gây rối loạn trong hệ thống. Đặc biệt, các trường tham gia chuyển đổi số trong toàn ngành sẽ chống được tình trạng gian lận, tiêu cực. Đồng thời, về mặt quản lý hành chính, phải xử lý nghiêm những trường hợp không trung thực trong việc cấp bằng, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Tôi cũng đề xuất cần xem xét mô hình trợ lý hiệu trưởng, đó là những người được đào tạo bài bản về giáo dục, hỗ trợ hiệu trưởng trong điều phối chuyên môn, giám sát chất lượng giảng dạy và giảm bớt những công việc hành chính đơn giản để hiệu trưởng có thời gian làm công tác quản lý. Mô hình này sẽ giúp chia sẻ áp lực và nâng cao hiệu quả quản lý. Cuối cùng, phải xây dựng được một hệ thống quản trị nhà trường khoa học, minh bạch và hướng đến chất lượng thực chất. Khi đó, việc phân quyền, phân cấp trong giáo dục mới thực sự hiệu quả, góp phần chuyển đổi từ mô hình quản lý hành chính sang mô hình quản lý theo chất lượng và kết quả đầu ra.

PV: Trân trọng cảm ơn ông! 

KIỀU OANH (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.