Thu hút sinh viên theo học ngành bán dẫn và vi mạch

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện cả nước có khoảng 11 cơ sở đào tạo có chương trình đào tạo sát với ngành bán dẫn và vi mạch; 35 trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ những nhóm ngành nghề liên quan đến bán dẫn và vi mạch. Hiện nay, một số ngành đào tạo nền tảng để phát triển thiết kế vi mạch tại Việt Nam của các đại học lớn như: Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học FPT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông...

Về cơ hội việc làm, hợp tác đào tạo, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Hợp tác phát triển chíp bán dẫn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nước thời gian vừa qua cho thấy cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm này. Tuy nhiên cùng với cơ hội, Việt Nam cũng đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc bởi nguồn nhân lực đang còn thiếu. Theo thống kê từ các hiệp hội, Việt Nam chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực chíp bán dẫn tại Việt Nam, đây là khâu còn yếu khi mỗi loại chip bán dẫn đều đòi hỏi công nghệ rất cao, do đó cần một lực lượng nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam phải tập trung vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để Việt Nam nhanh chóng nắm bắt được công nghệ lõi trong phát triển chíp bán dẫn.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor (bên phải) giới thiệu tới khách tham quan sản phẩm, công nghệ mới của FPT.

Giải thích về lý do dẫn đến thiếu nhân sự trong lĩnh vực chíp bán dẫn, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên bởi ở các nước phát triển, ngành đào tạo này không được nhiều người quan tâm.

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, các bạn trẻ tại các nước phát triển muốn học những ngành nghề như kinh tế, tài chính, ngành kỹ thuật vốn khô khan, thu nhập lại chưa cao hơn các ngành khác. Do đó, số lượng nhân lực chíp bán dẫn ngày một giảm dần, trong khi nhu cầu lại đang tăng lên. Thời gian tới, FPT Semiconductor sẽ kết hợp với các trường lớn trên thế giới, đưa chương trình giảng dạy của họ về Việt Nam. Có thể kể ra như chương trình 2+2, 3+1, có nghĩa là hai năm giảng dạy tại Việt Nam kết hợp với các trường như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Hai năm sau đưa đi học tại các trường khác trên thế giới. Khi ra trường, sinh viên sẽ có hai bằng. Đó là cách nhanh nhất để mang chương trình học trên thế giới về Việt Nam, giúp sinh viên khi tốt nghiệp có kiến thức như được học tại các nước tiên tiến.

Về lâu dài, FPT Semiconductor sẽ đi theo nhiều hướng khác nhau. Hiện nay, sẽ tập trung vào mảng chính là đào tạo đại học và cao đẳng, từ đó cung cấp nguồn nhân lực trực tiếp cho các công ty lớn. Về mảng kỹ sư, ra trường các em có thể làm ở các nhà máy sản xuất. Sau đó, sẽ có những chương trình đào tạo ngắn và dài hạn, trao đổi, bậc trên đại học... FPT Semiconductor dự định sẽ đào tạo 15.000 sinh viên phục vụ ngành chip bán dẫn tốt nghiệp ra trường từ nay đến năm 2030.

Gia tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, vi mạch.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay hai đề án quan trọng. Đó là đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch. Tiếp đó là đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao…

leftcenterrightdel
Để cho ra một chíp bán dẫn hoàn thiện có ba công đoạn chính là thiết kế; chế tạo; kiểm tra, đóng gói. 

 

leftcenterrightdel
Gian hàng trưng bày chíp bán dẫn của FPT.

Theo các chuyên gia để cho ra một chíp bán dẫn hoàn thiện có ba công đoạn chính là thiết kế; chế tạo; kiểm tra, đóng gói. Trong ba công đoạn này, công đoạn thiết kế chiếm khoảng 50-60% giá thành sản phẩm, công đoạn chế tạo chiếm khoảng 25-30%, công đoạn kiểm tra, đóng gói chiếm khoảng 15-20%. Do đó, Bộ KH&CN xác định việc làm chủ được thiết kế chíp bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong chuỗi giá trị sản xuất chíp. Cùng với sự hợp tác với các nước, Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo chung tại các trường, các viện nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chíp bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Bộ KH&CN đã có nhiều cơ chế chính sách liên quan đến phát triển chíp bán dẫn và đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thu hút chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Thời gian tới, bộ tiếp tục ưu tiên triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia liên quan đến chíp bán dẫn. Đồng thời, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn. Bộ sẽ xem xét cơ chế hỗ trợ đo kiểm, các phòng thí nghiệm đo lường đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 để đáp ứng nhu cầu đo lường của các doanh nghiệp thiết kế, chế tạo bán dẫn trong cả nước, rút ngắn thời gian, giảm chi phí đo lường do phải gửi ra nước ngoài. Bộ KH&CN cũng sẽ đẩy mạnh chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, chương trình hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về khoa học và công nghệ, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh có thể áp dụng, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này.

Tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Tập đoàn FPT và tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi đã ký hợp tác thành tập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam (VSHE).

Trung tâm Đào tạo bán dẫn được thành lập sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đào tạo nhân lực bán dẫn trong nước và tài trợ sản xuất cho các dự án bán dẫn, tạo cơ hội cho các dự án thiết kế vi mạch từ ý tưởng đi vào thực tiễn. Từ đó, từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.

Việc hợp tác này cho thấy sự quyết tâm của NIC trong việc hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành điểm đến triển vọng - một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất cho công nghiệp bán dẫn toàn cầu.  

 

VĂN PHONG - VÂN ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.