Hội nghị đã đánh giá tổng thể những kết quả nổi bật, những hạn chế, yếu kém của công tác dạy và học trên địa bàn cả nước trong năm học 2015-2016; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và xác định những biện pháp quan trọng nhằm đổi mới chất lượng giáo dục và đào tạo trong năm học 2016-2017 - một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển đất nước.
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016 do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng trình bày, cho biết: Trong năm học 2015-2016, ngành giáo dục đã triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm đề ra, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo ở các cấp học và trình độ đào tạo, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm học vừa qua, ngành đã điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải; đổi mới mô hình dạy học theo hướng mở, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy và học, chú ý tới hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh nhằm chuyển mạnh từ quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học, rèn luyện kỹ năng sống, học đi đôi với hành... Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rút kinh nghiệm, điều chỉnh kỳ thi quốc gia, theo đó, nội dung đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12, được đánh giá là có tính phân loại cao, đáp ứng yêu cầu xét tuyển đại học, cao đẳng. Các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt thành tích xuất sắc.
Song, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tự nhận thấy, công tác quy hoạch lại hệ thống giáo dục quốc dân còn chậm, hệ thống chưa mạch lạc, dẫn đến công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa tốt. Bên cạnh đó là do sức hấp dẫn của các chương trình đào tạo nghề còn yếu, chưa gắn với với năng lực hành nghề. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế do sự quan tâm đầu tư chưa tương xứng; đa số giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn mặc dù có bằng cấp theo trình độ đào tạo. Tự chủ đại học còn nhiều hạn chế do cơ chế, chính sách chưa đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều do chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn. Đáng chú ý, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu, do công tác này chưa được lồng ghép, tích hợp vào bài giảng; phương thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp còn hình thức, áp đặt, chưa tạo được sự tham gia của số đông học sinh...
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá để phát triển đất nước
Báo cáo cũng chỉ rõ: Trước thềm năm học 2016-2017, ngành Giáo dục đứng trước những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu hơn nữa để thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020), tiếp tục triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngành Giáo dục xác định 9 nhiệm vụ chủ yếu trong năm học 2016-2020. Đó là: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc nhằm tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư, phù hợp với nhu cầu xã hội. Trong đó, tập trung kiểm định chất lượng để xếp hạng, phân tầng các cơ sở giáo dục đại học phục vụ cho việc sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học một cách tổng thể, phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; trong đó, chú trọng xây dựng và hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, chuẩn/tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo.
Trước thực trạng hàng trăm nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp mỗi năm, một nhiệm vụ trọng tâm được ngành Giáo dục nhấn mạnh là đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Theo đó, trong năm học 2016-2017, ngành sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường; đồng thời cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu của thị trường lao động nhằm hướng các hoạt động giáo dục hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, sẽ hoàn thiện chương trình giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; tiếp tục thực hiện hợp tác, liên kết giữa trường phổ thông và trường chuyên nghiệp trên địa bàn để đào tạo và công nhận kỹ năng nghề cho học sinh...
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của ngành Giáo dục. Theo đó, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, để nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu hội nhập thì năng lực sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là năng lực sử dụng tiếng Anh là yêu cầu hết sức quan trọng. Do đó, để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong năm học 2016-2017, ngành Giáo dục xác định: Tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với giáo dục phổ thông và triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả các cơ sở nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt, triển khai đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn giáo dục, đào tạo; tổ chức nghiên cứu, xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam.
Xác định đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá để phát triển đất nước trong những năm sắp tới, ngành Giáo dục xác định sẽ đổi mới phương pháp giảng dạy từ cung cấp kiến thức hỗ trợ phát triển năng lực và phẩm chất của người học; đổi mới cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo đại học. Tăng cường kiểm định chất lượng theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, trên cơ sở đó tiến hành phân tầng và công khai kết quả kiểm định để xã hội, người học đánh giá, xếp hạng, đặc biệt là công khai tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích các trường thực hiện các chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động khu vực và quốc tế.
Tại hội nghị, các ý kiến tham luận đề nghị tăng cường hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong công tác quản lý giáo dục đào tạo. Các ý kiến tập trung đề nghị ngành giáo dục tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm tải cho các trường; quản lý học sinh bằng học bạ điện tử; các chương trình định hướng khi học sinh vào lớp 9 để các em có tư duy về học nghề; tăng cường học ngoại ngữ. Có một số ý kiến đề nghị giao quyền cho địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS và THPT; tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục đại học để thu hút sinh viên, cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực, đặc biệt là về hệ thống giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề cho phù hợp để tránh tình trạng nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp; kết hợp đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh. Các ý kiến cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường đầu tư, nâng cấp chất lượng đào tạo nghề và học nghề, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đào tạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh để thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Cần chú trọng phát hiện, trọng dụng nhân tài để có nhiều thầy giỏi, trò giỏi
Tại hội nghị, nhấn mạnh quan điểm thực sự coi học sinh là trung tâm trong mọi việc của ngành giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, những năm vừa qua, ngành Giáo dục đã liên tục đổi mới hướng tới nền giáo dục như của các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, việc đổi mới này phải căn cứ vào lộ trình nhất định, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, với những chính sách như ưu tiên người nghèo, người có công. "Tôi đề nghị cần tiếp tục tinh thần "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" - không có nghĩa đánh các cháu, nhưng cần khôi phục tinh thần giáo dục kỷ cương, tự lập, yêu lao động, với mục tiêu phát triển toàn diện trí tuệ, đạo đức và thể chất", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị quy mô lớn của ngành Giáo dục, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi tới đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo, cùng toàn thể các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chăm lo cho giáo dục đào tạo là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội. Nghị quyết 29 của Trung ương khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng đánh giá thời gian qua, ngành Giáo dục và đào tạo đã triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết 29, bước đầu đổi mới dạy học theo hướng mở, chú ý hơn đến phát triển toàn diện năng lực, tư duy sáng tạo và rèn luyện phẩm chất cho học sinh. Kỳ thi Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 đã khắc phục được những bất cập của các năm trước, tạo thuận lợi và giảm áp lực cho thí sinh và gia đình. Cơ sở vật chất trường, lớp học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm hơn. Công nghệ thông tin được ứng dụng nhiều hơn trong dạy, học và quản lý giáo dục... góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng ghi nhận những thành tựu của ngành giáo dục trong quá trình 30 năm đổi mới. Theo đó, từ một nước nghèo kém phát triển, Việt Nam trở thành nước đang phát triển. Trí tuệ người Việt được đánh giá cao qua nhiều cuộc thi quốc tế. “Trí tuệ của người Việt Nam là rất đáng tự hào thể hiện qua việc đạt thành tích cao các kỳ thi quốc tế”, Thủ tướng khẳng định.
Chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng này, Thủ tướng cho rằng, đối với giáo dục phổ thông còn chưa coi trọng đúng mức đến giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống; vẫn còn nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra, gây bức xúc xã hội; còn xuất hiện nhiều tội phạm vị thành niên... “Phải làm sao để các em biết kính trên nhường dưới, sống trong tập thể và có trách nhiệm, yêu nước, yêu lịch sử, truyền thống dân tộc”, Thủ tướng đề nghị.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ: Trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh của học sinh phổ thông là rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu. Đặc biệt, học sinh còn thiếu kỹ năng sống dẫn đến việc có nhiều trẻ bị đuối nước hoặc bị tai nạn thương tích. Việc khắc phục quá tải đối với học sinh phổ thông còn rất chậm. Nhiều nội dung học không có giá trị thực tiễn cho cuộc sống sau này của đa số học sinh, trong khi đó kiến thức toàn diện về Văn - Thể - Mỹ còn rất thiếu.
Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có chất lượng còn hạn chế, chưa gắn với nhu cầu xã hội và thị trường lao động, dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, thất nghiệp; trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhất là lao động có chuyên môn cao. “Mỗi năm, theo ước tính sơ bộ, chúng ta phải chi ước khoảng 3 tỷ USD cho việc đưa con em ra nước ngoài học tập”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng nêu rõ: Chất lượng đào tạo sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) rất đáng lo ngại. Đây là sự phản ánh của bệnh thành tích, “sính” bằng cấp. Đa số các luận án tiến sĩ không được áp dụng trong thực tiễn, nhiều tiến sĩ thiếu những công trình có ý nghĩa đối với xã hội. “Việc này cần phải nghiêm túc chấn chỉnh. Cơ chế tài chính cho giáo dục chậm đổi mới, đội ngũ quản lý giáo dục, nhà giáo còn nhiều bất cập, cơ chế thanh kiểm tra, giám sát hạn chế, vẫn còn tiêu cực trong tuyển sinh, thi cấp bằng...”, Thủ tướng cho hay.
Phản ánh người dân vẫn rất lo lắng đối với việc học hành của con em, từ việc xin vào học ở đầu cấp học, nhất là ở thành phố; học thêm, dạy thêm, học phí,..;cơ sở vật chất của nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu và lạc hậu; phòng học, thư viện, nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn quy định, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành không để trẻ em học trong các phòng học tạm bợ hoặc nhà vệ sinh không bảo đảm vệ sinh, thậm chí là không có… Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà trẻ ở các khu công nghiệp đã được nêu ra từ lâu nhưng triển khai còn rất chậm.
Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục phổ thông là nền tảng của giáo dục nói chung, hình thành nhân cách người công dân Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, cần bảo đảm chương trình vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập; phải giảm tải nhanh cho các cháu, không quá nặng về khối lượng, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện Văn – Thể - Mỹ.
Nêu ra một thực trạng đáng buồn hiện nay khi nhiều học sinh, sinh viên không biết về lịch sử dân tộc, Thủ tướng lưu ý, việc giáo dục đạo đức, truyền thống, phong tục tập quán là hết sức quan trọng cho học sinh ở cấp học này. “Cần dạy cho học sinh biết yêu lịch sử, truyền thống dựng nước và bảo vệ đất nước của cha ông, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; biết kính trên, nhường dưới, tôn trọng người già, biết sống có trách nhiệm trong tập thể, trong xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh việc truyền thụ cho học sinh cái đẹp của quê hương, đất nước, về mỹ thuật, nghệ thuật. Chú trọng dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh phổ thông, bảo đảm các kỹ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết và giao tiếp; tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.
Thủ tướng cũng yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động; chỉ đạo ngành Giáo dục và đào tạo gắn kết mạnh mẽ hơn nữa chương trình đào tạo đại học, kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội. Khuyến khích việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp; không để xảy ra tình trạng "ngứa trên đầu mà gãi dưới chân", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, tự chủ không phải là quên trách nhiệm với xã hội, Thủ tướng yêu cầu cùng lúc với đẩy mạnh tự chủ đại học cần xác định một cách rõ ràng “trách nhiệm xã hội” của trường đại học; không để lãng phí nguồn lực xã hội trong đào tạo đại học. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị, năm học 2016-2017, toàn ngành giáo dục đào tạo cần tập trung vào việc triển khai sâu rộng các nhiệm vụ của ngành; rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, không phù hợp để hoàn chỉnh; xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát triển đội ngũ của toàn hệ thống; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; tăng cường hội nhập quốc tế.
Thủ tướng mong muốn ngành giáo dục đào tạo cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi. Thủ tướng nhấn mạnh: “Muốn xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc và mong muốn tất cả chúng ta cùng nhau hành động vì mục tiêu cao đẹp đó”.
Bài, ảnh: NGUYỄN THẢO