Sau gần 2 tháng học tập, Bộ CHQS tỉnh An Giang vừa phối hợp với Trung tâm ngoại ngữ - Tin học Victory (Trường Đại học Trà Vinh) tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho 50 học viên là sĩ quan, QNCN thuộc lực lượng vũ trang tỉnh.

Trong thời gian học tập, học viên đã được truyền đạt nội dung về tiếng Khmer cơ bản và tiếng Khmer giao tiếp. Ngoài ra, còn được trang những bị kiến thức về ngôn ngữ (ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, ngữ nghĩa), giao tiếp bằng tiếng Khmer, kiến thức chung về văn hóa - xã hội, phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt… của đồng bào dân tộc Khmer. 

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh An Giang và Trường Đại học Trà Vinh trao giấy chứng nhận cho các học viên hoàn thành khóa học tiếng Khmer. 

Theo Đại tá Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân khu 9, thực hiện kế hoạch bồi dưỡng tiếng dân tộc, kiến thức dân tộc theo Quyết định số 3935/QĐ-BQP ngày 10-1-2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023, trong năm 2023 trên địa bàn Quân khu 9 tổ chức mở 3 lớp bồi dưỡng tiếng Khmer tại Bộ CHQS các tỉnh: Sóc Trăng, Kiên Giang và An Giang, mỗi lớp 50 học viên học tập trong thời gian 8 tuần. Ngoài ra, còn mở 5 lớp tại các đơn vị: Sư đoàn 330, Sư đoàn 8, Sư đoàn 4 và Bộ CHQS TP Cần Thơ, mỗi lớp 100 học viên học tập trong thời gian 5 ngày.

“Các lớp bồi dưỡng sẽ nhằm góp phần nâng cao kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc và phương pháp, kỹ năng kinh nghiệm tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng công tác trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thường xuyên tiếp xúc, làm việc với đồng bào dân tộc thiểu số… Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025”, Đại tá Nguyễn Trường Giang khẳng định.

leftcenterrightdel

Giáo viên, học viên Trường Quân sự Quân khu 9 trong giờ học tiếng Khmer. 

Ngôn ngữ Khmer rất khó tiếp nhận và sử dụng thành thạo trong thời gian ngắn. Trong khi đó, các học viên tham gia khóa học phần lớn đều lần đầu tiếp xúc với tiếng Khmer. “Lúc đầu tập viết rất khó, nhất là ráp vần câu. Ngoài sự chỉ bảo tận tình của thầy giáo, tôi còn mua quyển sách luyện cách viết đúng, viết đẹp bằng chữ Khmer. Khi lên lớp tôi luôn tập trung lắng nghe thầy giáo giảng bài, mạnh dạn nói chuyện, giao tiếp với học viên; tranh thủ lúc rảnh rỗi còn đọc báo, nghe đài, xem bản tin; trong sinh hoạt hằng ngày chúng tôi đều sử dụng ngôn ngữ Khmer để nói chuyện… Nhờ vậy, kết thúc khóa học tôi đã đạt loại giỏi”, Đại úy Huỳnh Phương Em, Bác sĩ Bệnh xá Quân y, Bộ CHQS tỉnh An Giang chia sẻ.

Qua trao đổi với Đại tá Lê Quang Luật, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Cà Mau chúng tôi được biết, những qua Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh và cấp ủy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác học tập ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiếu số; trong đó tập trung nâng cao chất lượng tiếng Khmer cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh luôn được xem trọng. Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer đều đạt và vượt chỉ tiêu; trình độ tiếng Khmer cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, nhất là đơn vị đóng quân trên địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Còn theo Đại tá Nguyễn Văn Rạng, Phó chính ủy Trường Quân sự Quân khu 9, thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, những năm qua nhà trường đã đào tạo nhiều đối tượng, nội dung trong đó có tiếng Khmer cho các học viên. Đến nay, nhà trường đã mở được 23 khóa dạy tiếng Khmer. “Ngoài thời gian trên lớp, mỗi khóa học chúng tôi đều tổ chức 2 đợt, mỗi đợt từ 10 đến 15 ngày cho học viên đến các phum, sóc thực hiện công tác dân vận cũng như nâng cao kỹ năng nghe, nói và hiểu thêm về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức 3 khóa học tiếng Khmer cho cán bộ của nhà trường, tập trung vào kỹ năng nghe và nói, đảm bảo tiếp xúc thuận lợi với bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống”, Đại tá Nguyễn Văn Rạng bật mí.

leftcenterrightdel
Các học viên lớp tiếng Khmer tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào tại các phum, sóc.   

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và có hơn 50% cán bộ là người dân tộc Khmer công tác tại đơn vị, Trung tá Thạch Phú Cường, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Trà Cú (Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh) bày tỏ: “Hiện nay, hều hết cán bộ người dân tộc Khmer cũng như dân tộc khác đều nói và viết được tiếng Khmer. Theo tôi việc học tiếng của đồng bào dân tộc Khmer vừa giúp cán bộ gần gũi với bà con cũng như nâng cao hiểu biết về văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào. Từ đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con vùng đồng bào dân tộc”.

Đại đức Hữu Nhiều, Trụ trì chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (Cà Mau) cho hay: “Thời gian gần đây, cán bộ cơ sở khi làm việc với nhà chùa có bước phát triển về sử dụng tiếng đồng bào dân tộc Khmer hơn so với trước. Chúng tôi rất vui vì đó là sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền với đồng bào. Việc cán bộ không phải người đồng bào dân tộc Khmer nhưng giao tiếp bằng ngôn ngữ của đồng bào còn thể hiện sự gần gũi, tôn trọng và am hiểu về bản sắc văn hóa. Từ đó, công tác phối hợp tiến hành hiệu quả hơn, đồng bào phật tử chùa cũng vui vầy, thuận lòng nhất là trong vận động xây dựng nếp sống văn minh, nông thôn mới”.

Bài, ảnh: QUANG ĐỨC - PHONG PHÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.