Hơn 1 triệu thí sinh dự thi

Kỳ thi năm 2024 có 1.071.393 thí sinh đăng ký, tăng hơn 45.000 so với năm trước. Trong đó, thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38% tổng số thí sinh; 1.014.020 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm 94,66%. Các thí sinh sẽ thi tại 2.323 điểm thi, tăng 51 điểm so với năm 2023, với tổng số 45.149 phòng thi. Có 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ, trong đó Hà Nội có 21.554 thí sinh và TP Hồ Chí Minh có 13.076 thí sinh.

leftcenterrightdel
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị. 

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, cho biết kỳ thi sẽ cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023, với các hội đồng thi tổ chức trong các ngày 26 đến 29-6, chấm thi từ ngày 29-6 và công bố kết quả vào ngày 17-7-2024. Các công tác chuẩn bị như xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi, và công tác tập huấn đang được tiến hành kỹ lưỡng. Công tác kiểm tra chuẩn bị thi đã được triển khai… Tuy nhiên, một số khó khăn cần khắc phục như điều kiện cơ sở vật chất tại một số địa phương còn hạn chế, và một số địa phương chậm duyệt hồ sơ thí sinh.

Một số địa phương chưa thực hiện thử nghiệm phương án xử lý tình huống bất khả kháng ở từng khâu với các đối tượng liên quan tổ chức kỳ thi (ví dụ như cấp điện, phòng cháy, chữa cháy…) và chưa có giải pháp dự phòng cụ thể về nhân lực, trang thiết bị, do còn thời gian chuẩn bị đến ngày thi. Một số phòng thi còn tiếp giáp với đường hoặc khu dân cư nên cần chú trọng tăng cường an ninh an toàn vòng ngoài.  Thời tiết cũng là một yếu tố cần lưu ý khi tổ chức kỳ thi.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết kiểm tra cho thấy ngành công an và giáo dục đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt điều kiện an ninh cho kỳ thi. Tuy nhiên, một số địa phương gặp vướng mắc về quy định bảo quản đồ dùng và nơi để xe của thí sinh. Công an đã đề nghị hướng dẫn thí sinh hạn chế mang vật dụng không cần thiết, bố trí nơi bảo quản cách phòng thi 25m, và tổ chức khu vực để xe hợp lý để nâng cao hiệu quả phòng ngừa.

“Tình hình sử dụng công nghệ cao trong gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp, thậm chí một số quốc gia đã có việc sử dụng AI trong gian lận thi cử. Các thiết bị định tuyến giờ đây không chỉ ở những vị trí cách xa trong vòng 25m mà được thiết kế nằm ngay ở đế giày. Vì vậy việc phát hiện các thiết bị gian lận này của chúng ta sẽ ngày càng khó khăn hơn. Các hội đồng thi cần tăng cường công tác tập huấn phát hiện, nhận biết thiết bị công nghệ cao”, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh nói.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh thông tin về công tác phối hợp với Bộ GD&ĐT. 

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh nhấn mạnh việc không được chủ quan, phân công lực lượng đúng người, đúng việc, và tăng cường hỗ trợ ngành giáo dục. Công an các địa phương phải tập trung phát hiện và xử lý nghiêm các nguy cơ gian lận, triệt xoá các đường dây mua bán thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử, và xử lý các đối tượng đăng tin thất thiệt. Các Hội đồng thi cần trao đổi thông tin kịp thời với Công an để xây dựng phương án bảo đảm an ninh, và phối hợp tổ chức công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các khâu có nguy cơ tiêu cực gian lận.

Liên quan đến công tác chống gian lận thi cử bằng công nghệ cao, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Năm nay, số thí sinh của Quảng Ninh tăng 2.000 em so năm ngoái (khoảng 10%), tỉnh đã tổ chức 37 điểm thi ở 13 địa phương, những điểm thi sát nhà dân đã được cho rà soát, hạn chế tối đa việc sử dụng wifi trong những ngày diễn ra kỳ thi, hạn chế việc thí sinh có thể tranh thủ sóng wifi để thực hiện những việc không tốt cho kỳ thi”.

Về an toàn giao thông, tỉnh cũng hạn chế tối đa việc các xe tải chở vật liệu xây dựng hay chở cồng kềnh, cụ thể là không ra đường, không đi vào những cung đường mà thí sinh đi trong những ngày tổ chức kỳ thi.  

Phương châm “4 đúng, 3 không”

Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh việc quán triệt Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, và thực hiện đúng quy định tổ chức thi. Trong đó có 5 nhóm nhiệm vụ: Lãnh đạo chỉ đạo sâu sát, phối hợp hiệu quả, chuẩn bị chu đáo, thực hiện đúng quy chế, và thông tin truyền thông chủ động. Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong các khâu in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi/bài thi, vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, điện nước là ưu tiên hàng đầu. Cần có phương án dự phòng cho các tình huống phát sinh và đảm bảo không thí sinh nào bị thiệt thòi do điều kiện khó khăn.

leftcenterrightdel

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, toàn quốc đã chuẩn bị để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Thứ trưởng cũng yêu cầu rõ ràng về phân công nhiệm vụ, đặc biệt trong các khâu in sao, bảo quản, coi thi và chấm thi. Ông nhấn mạnh việc rà soát cơ sở vật chất, chú trọng công tác nhân sự, thông tin báo cáo, và truyền thông trước, trong và sau kỳ thi để đảm bảo hiệu quả và an toàn tối đa.

Phương châm “4 đúng, 3 không” cũng được Thứ trưởng nhắc lại. Theo đó, “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức”.

Ban Chỉ đạo cấp quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, và đúng quy chế. Các địa phương cũng sẽ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đồng thời xây dựng các phương án dự phòng cho từng khâu trong quá trình tổ chức kỳ thi.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.