Triển lãm “Văn Miếu-Quốc Tử Giám, ươm mầm khát vọng hiền tài” tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã giới thiệu đến giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh về lịch sử hình thành và phát triển của Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó là các giá trị tiêu biểu giáo dục về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và tinh thần học tập suốt đời của dân tộc ta. Mỗi tư liệu, hình ảnh đều được chọn lọc chu đáo, đặc biệt là sự xuất hiện của các mô hình gắn liền với sự học xưa như: Giấy dó, bút lông, nghiên mực, lều chõng… tạo nên ấn tượng sâu sắc cho người xem.

leftcenterrightdel
Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám giới thiệu mô hình thi cử ngày xưa đến giáo viên, học sinh tại TP Hồ Chí Minh.

Triển lãm còn mang đến các thủ pháp trưng bày hiện đại, ứng dụng công nghệ số, truyền tải sinh động tới các học sinh và công chúng về trải nghiệm học tập mới thông qua công nghệ kính thực tế ảo, sách điện tử, trí tuệ nhân tạo... Cũng trong dịp này, các học sinh tại TP Hồ Chí Minh còn được trải nghiệm các hoạt động giáo dục di sản gồm: In mộc bản chữ và hoa văn trên bia tiến sĩ, xin chữ thư pháp...

Chưa từng đặt chân đến Thủ đô Hà Nội nhưng em Nguyễn Bảo Anh (học sinh lớp 5G, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn) đã biết về Văn Miếu-Quốc Tử Giám thông qua những bài học, phim ảnh, sách báo. Sau khi trải nghiệm ngồi vào lều chõng để làm bài thi giống sĩ tử ngày xưa vào mùa thi, Bảo Anh chia sẻ: “Em rất khâm phục tinh thần học tập của cha ông ta ngày xưa, qua đó lựa chọn được những nhân tài thực sự cho đất nước. Được nghe, được tham quan và trải nghiệm những mô hình về học tập tại triển lãm lần này, em và các bạn thêm phấn khởi, có thêm động lực để phấn đấu học tập, rèn luyện tốt hơn nữa trong thời gian tới”.

Toàn bộ không gian trưng bày triển lãm “Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Ươm mầm khát vọng hiền tài” được Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám trao tặng đến Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn. Thầy Đinh Hữu Đắc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn cho biết: “Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng có bài học về Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Như vậy, khi dạy về bài học này, thay vì cho học sinh trải nghiệm từ thực tế ảo, không gian 3D thì những hiện vật, mô hình cụ thể này sẽ là mô hình trực quan để nhà trường giáo dục học sinh. Qua đó, giúp mở ra thêm các không gian học tập mới để học sinh tiếp thu bài học một cách hiệu quả nhất”.

leftcenterrightdel
Học sinh tại TP Hồ Chí Minh được trải nghiệm "lều chõng đi thi" ngày xưa.

Cùng với triển lãm “Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Ươm mầm khát vọng hiền tài”, trước đó, nằm trong chuỗi chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã phối hợp trưng bày chuyên đề “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tinh hoa Đạo học Việt Nam” tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám bày tỏ: “Chúng tôi luôn mong muốn lan tỏa hình ảnh của Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng tinh thần và trí tuệ Việt, đến các học sinh. Nhân dịp chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2024), các trưng bày, triển lãm lần này nhằm phát huy nguồn mạch, cảm hứng mạnh mẽ, nuôi dưỡng cho thế hệ trẻ nói chung, tại TP Hồ Chí Minh nói riêng về tinh thần học tập suốt đời”.

Bài và ảnh: BẢO NGÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.