Năng lực tự chủ và chất lượng giáo dục

Luật Thủ đô định nghĩa rõ “cơ sở giáo dục chất lượng cao” là những trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình và phương pháp giảng dạy chất lượng cao, do UBND TP Hà Nội quy định. Điều này tạo nền tảng pháp lý để phát triển các trường chất lượng cao.

Luật Thủ đô đặt mục tiêu phát triển Hà Nội thành trung tâm giáo dục lớn, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế và chuyển đổi số. Các trường công lập chất lượng cao sẽ được đầu tư về cơ sở vật chất, không gian và môi trường học tập, đảm bảo không xây dựng gần các khu vực ô nhiễm.

Điều này định hướng phát triển giáo dục bền vững, hài hòa với quy hoạch thành phố.

Học sinh Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với các hoạt động ngoại khóa. 

Về chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo định nghĩa, đây là sự đáp ứng mục tiêu của nhà trường, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chất lượng được đánh giá qua đạo đức, học lực, kỹ năng xã hội và sự chuẩn bị cho tương lai học sinh. Nhà trường tự chủ là mô hình hiệu quả, khuyến khích sự tham gia của nhiều bên (cha mẹ, giáo viên, cộng đồng), góp phần cải thiện thành tích học tập và rèn luyện của học sinh. Quan niệm này tạo tiền đề cho sự linh hoạt, đáp ứng yêu cầu xã hội và cũng là cơ sở xã hội hóa giáo dục chất lượng trên địa bàn Thủ đô.

Mô hình nhà trường tự chủ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giảng dạy của giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Các quốc gia áp dụng mô hình này thường đạt tỷ lệ học sinh lên lớp, đi học cao hơn và kết quả học tập được cải thiện.

Ở Việt Nam, nhà trường tự chủ đang được thí điểm tại một số trường công lập uy tín. Mô hình này không chỉ nâng cao chất lượng, mà còn đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, giảm chi ngân sách Nhà nước, tăng hiệu quả quản lý giáo dục.

Lãnh đạo trường tự chủ có quyền xây dựng chiến lược phát triển, phối hợp với giáo viên và cộng đồng để giải quyết các vấn đề. Điều này giúp trường công lập tự chủ xây dựng thương hiệu, thu hút học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, xóa bỏ chênh lệch phát triển giữa các vùng miền. Chất lượng giáo dục trở thành yếu tố cốt lõi để quyết định mức độ tự chủ và trách nhiệm xã hội của nhà trường.

Như vậy, Luật Thủ đô và cơ sở khoa học về mô hình nhà trường tự chủ đã tạo ra cơ hội để các trường học ở Hà Nội phát triển mạnh mẽ, tự chủ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục chất lượng, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của giáo dục Việt Nam.

Khó khăn trong việc triển khai các quy định mới

Luật Thủ đô được ban hành cùng một số hướng dẫn thực hiện, chính sách kịp thời, tạo động lực lớn cho các nhà trường.

Tuy nhiên, tham chiếu với những tiêu chí tạo môi trường cho các nhà trường tự chủ, chúng ta sẽ nhận thấy thiếu hướng dẫn cụ thể, chi tiết, gây khó khăn cho các nhà trường trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, việc thay đổi tư duy và phương thức làm việc để phù hợp với những yêu cầu mới của luật cũng cần thời gian và sự nỗ lực lớn của rất nhiều nhà trường.

Giáo dục Thủ đô đang xuất hiện thực trạng khoảng cách chất lượng và năng lực tự chủ giữa các nhà trường, các địa phương. Để đạt được vị thế trung tâm giáo dục tiêu biểu, chất lượng cao, Hà Nội cần tập trung tháo gỡ khó khăn này.

Với quy mô lớn cả về số lượng và chất lượng, Giáo dục Thủ đô cần một khoản đầu tư lớn để đạt được yêu cầu chất lượng cao về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, đào tạo giáo viên, thực hiện các hoạt động đổi mới đều đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, gây áp lực lên ngân sách của nhà trường và địa phương. Áp lực này có thể gây ra sự mất cân đối, việc phân bổ nguồn lực chưa đồng đều giữa các trường, dẫn đến tình trạng trường mạnh càng mạnh, trường yếu càng yếu.

Xây dựng các trường chất lượng cao, tất yếu phải làm tốt việc xã hội hóa giáo dục, bao gồm huy động mọi nguồn lực, không chỉ nguồn lực vật chất. Tuy nhiên, việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách hiệu quả, thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Hiện trạng khác biệt về mục tiêu và nhu cầu của nhà trường và doanh nghiệp đôi khi không hoàn toàn trùng khớp, gây khó khăn trong việc xây dựng các chương trình hợp tác.

Bên cạnh đó, việc quản lý các trường tư thục còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo chất lượng đào tạo. Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường công lập và tư thục có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Luật đặt ra mục tiêu xây dựng các trường chất lượng cao. Tuy nhiên, mẫu hình nhà trường hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của học sinh, đặc biệt là những học sinh có năng khiếu hoặc có nhu cầu học tập đặc biệt. Chương trình đào tạo chưa đủ linh hoạt để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của xã hội và thị trường lao động.

Thực tế triển khai xây dựng các trường chất lượng cao của Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, nếu không phân cấp, phân quyền hợp lý, để cân đối giữa đầu tư trọng điểm và công bằng, thì khó có thể phát triển được về chất lượng và đảm bảo số lượng như mong muốn.

Đặc biệt, bản chất của tạo dựng chất lượng cao, bền vững của trường học chính là chương trình của nhà trường và năng lực của đội ngũ. Thành phố cần có những kế sách để tạo động lực cho phát triển những chương trình đa dạng theo nhu cầu người học. Việc đầu tư cho đội ngũ làm công tác giáo dục để có sự đột phá về năng lực, giúp họ đáp ứng được yêu cầu và có khả năng học tập suốt đời, làm nòng cốt cho phát triển thành phố học tập sáng tạo bền vững.

Bối cảnh giáo dục của Thủ đô rất đa dạng. Thực tế, sự chênh lệch về năng lực của các nhà trường và đầu tư của địa phương (phạm vi quận/huyện) là một thách thức rất lớn, bên cạnh số lượng các trường có nhu cầu nâng cấp về cơ sở vật chất không hề ít, phổ biến từ mầm non đến phổ thông, cao đẳng/trung cấp/trường nghề.

Để phát huy được năng lực của các nhà trường là không dễ dàng, đòi hỏi thành phố có chính sách, kế hoạch triển khai mang tính đột phá, góp phần đạt được yêu cầu về quy mô, chất lượng như luật đã đề ra.

PGS, TS CHU CẨM THƠ, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.