Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Ninh Bình Đinh Xuân Cấp cho biết: Trong những năm vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy. Phòng đã tham mưu với UBND thành phố Ninh Bình bổ sung thêm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị triển khai thực hiện chuyển đổi số. Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, các nhà cung cấp dịch vụ phần mềm như VNPT Ninh Bình, Viettel Ninh Bình tăng cường giải pháp hỗ trợ cho các nhà trường và ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố, thúc đẩy công tác chuyển đổi số đồng bộ, nhanh chóng.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình đã triển khai sử dụng phần mềm Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice. Cấp tài khoản truy cập phần mềm cho hơn 225 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 47 cơ sở giáo dục trực thuộc ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố. Áp dụng phần mềm tuyển sinh trực tuyến trong công tác tuyển sinh đầu cấp.

Thực hiện thanh toán học phí theo phương thức không dùng tiền mặt ở 100% trường học. Xây dựng kho bài giảng điện tử, kế hoạch bài học (giáo án) cho tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, ở tất cả các khối lớp để tạo thành kho bài giảng điện tử chung của thành phố.

Nâng cao chất lượng chuyển đổi số, ngành Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên.

Nhờ áp dụng công nghệ thông tin, trong đó triển khai hiệu quả Học bạ số vào quản lý giáo dục, tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực trong việc cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập. Hệ thống này còn giúp hỗ trợ việc báo cáo, thống kê dữ liệu nhanh chóng và chính xác, từ đó tạo nền tảng cho các quyết định giáo dục được đưa ra kịp thời và phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện công tác dạy và học tại Ninh Bình trong thời gian qua.

Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ninh Bình Ðinh Văn Khâm, đến nay, Ninh Bình đã triển khai thí điểm học bạ điện tử tới toàn bộ 153 trường tiểu học với 2 hệ thống quản lý dữ liệu VNEDU và SMAS từ lớp 1 đến lớp 4 ở 2.211 lớp. Trong quá trình thực hiện, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về lợi ích, ý nghĩa của học bạ số. Việc triển khai Học bạ điện tử ở cấp tiểu học đang là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống giáo dục của Ninh Bình.

Ðồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như: Máy vi tính kết nối mạng internet; phần mềm quản lý nhà trường để có thông tin, dữ liệu về giáo viên, học sinh, kết quả học tập; chữ ký số để giáo viên, ban giám hiệu ký và đóng dấu học bạ.

Bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực, trong năm học 2023-2024 đã có 75.985 (đạt 99,32%) học bạ được tạo lập đúng quy định và chuyển về kho dữ liệu của Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh giúp cung cấp thông tin minh bạch về quá trình học tập của học sinh; giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, dễ tra cứu phục vụ công tác quản lý.

“Khi triển khai học bạ số, tại Ninh Bình, điều kiện về công nghệ của các cơ sở giáo dục đều đáp ứng, các thầy, cô giáo đã thông thạo việc ứng dụng công nghệ thông tin cho nên hết sức thuận lợi. Với những kết quả tích cực bước đầu, Ninh Bình được Bộ Giáo dục và Ðào tạo đánh giá là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước sớm hoàn thành thí điểm triển khai học bạ số”, ông Ðinh Văn Khâm cho biết thêm.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.