Chung tay vào cuộc
Trong kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch Ninh Bình hướng đến mục tiêu năm 2025 phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Góp phần đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 |
Hình ảnh Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An quảng bá trên trang facebook du lịch Ninh Bình. |
Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Ninh Bình (Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình) Nguyễn Văn Minh cho biết: Đến nay, đơn vị đã xây dựng phần mềm thuyết minh du lịch ảo Chatbox AI đưa vào sử dụng và đã tạo lập gần 100 tài khoản cho các doanh nghiệp để đưa dịch vụ trên phần mềm du lịch thông minh của ngành; triển khai marketing trên 7 nền tảng số của mạng xã hội; xây dựng hơn 120 clip quảng bá với hơn 7 triệu lượt tương tác. Đơn vị cũng tích cực phối hợp với các kênh marketing lớn như Amazing Things xây dựng các clip và chiến dịch quảng bá, có những chiến dịch đã thu hút hơn 3 triệu lượt tương tác và theo dõi.
Bà Lê Thị Bích Thục, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử và văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết: Hiện Trung tâm đang bảo quản, lưu giữ khoảng 1.000 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý giá như: 50 bản sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam; 5 bảo vật quốc gia. Nhiều hiện vật quý được bảo quản cẩn trọng trong kho lưu trữ và ít khi được trưng bày phục vụ du khách tham quan.
 |
Khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III, năm 2024 vận dụng chuyển đổi số và công nghệ trình chiếu tôn vinh di sản văn hóa. Ảnh: NGỌC MINH
|
Thực hiện chương trình số hóa di sản, thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo quản và giới thiệu di tích. Qua đó giúp công tác bảo quản hiện vật được khoa học, bài bản hơn, đồng thời giúp cho du khách dễ dàng tiếp cận, hình dung và tìm hiểu các giá trị độc đáo của di sản.
Đáng ghi nhận, trong quá trình chuyển đổi số, ngành du lịch và văn hóa Ninh Bình đã huy động được sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình Dương Thị Thanh cho biết: Các doanh nghiệp du lịch đã tăng cường ứng dụng các công nghệ số trong quản trị, cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho khách hàng; nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực.
Hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số
“Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào công tác bảo tồn di tích, di sản Tràng An là hết sức cần thiết. Đây chính là cầu nối đưa các di tích, di sản đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản trở thành sản phẩm của du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và góp phần quảng bá hình ảnh Tràng An ra thế giới. Hiện thực hóa tầm nhìn Đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình cho hay.
 |
Bế mạc Festival Ninh Bình lần thứ III, năm 2024 mãn nhãn hàng nghìn khán giả bởi công nghệ trình chiếu 3D hiện đại. Ảnh: NGỌC MINH |
Đối với ngành du lịch Ninh Bình, theo Giám đốc Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch Nguyễn Văn Minh, các nội dung chuyển đổi số trong thời gian tới sẽ tiếp tục hướng tới ba đối tượng chính là cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và du khách. Ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý và các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú về chuyển đổi số, thực hiện marketing online, bán hàng online… Qua đó tạo ra giá trị lan tỏa lớn, góp phần hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, đưa du lịch Ninh Bình bứt phá mạnh mẽ.
Cũng theo ông Minh, để thực hiện được mục tiêu, tầm nhìn, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, cụ thể là doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số đồng bộ. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp du lịch ở Ninh Bình chủ yếu là nhỏ và vừa, việc chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới, dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư bước đầu khá lớn, bao gồm chi phí cho hạ tầng công nghệ, thay đổi hệ thống quản lý, con người, hệ thống đào tạo.
VIỆT LAM
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.