Từng nhiều lần đến tham quan, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Học viện Viettel không chỉ có cơ sở hạ tầng với kiến trúc độc đáo mà còn có hạ tầng công nghệ tiên tiến, được ứng dụng công nghệ số và đã triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ. Qua đó, nhiều nội dung đào tạo, học liệu đã được số hóa, thuận lợi để đưa lên nền tảng (platform) và tạo ra môi trường học tập ngay trên điện thoại cá nhân.

Theo tính toán, công sức và chi phí bỏ ra là không hề nhỏ để tạo ra (số hóa) một bài giảng ngắn (video clip hoặc định dạng khác có thời lượng dưới 10 phút) từ kịch bản, biên tập, quay, dựng video, lồng tiếng... Vậy mà chỉ sau hơn hai năm triển khai, Học viện Viettel đã xây dựng được gần 3.000 bài học.

Học viện Viettel đưa vào sử dụng phòng học thông minh với công nghệ trường quay ảo. Ảnh: HOÀNG ANH

Bà Lê Thị Quỳnh Trang, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Viettel cho biết: “Thời gian để thực hiện số hóa một bài giảng thường mất từ 3 đến 5 ngày, chi phí được tiết kiệm tối đa. Sở dĩ có thể thần tốc đạt được con số ấn tượng này bởi chúng tôi đã làm chủ trong việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để số hóa học liệu. Nếu không có AI, việc hoàn thành một bài học có thể mất đến cả tháng với chi phí lớn hơn gấp nhiều lần”. 

Nhờ ứng dụng công nghệ trong phát triển học liệu số, Học viện Viettel tiếp tục duy trì môi trường học tập hằng ngày (By Day Learning) qua app trên điện thoại di động với gần 22.000 cán bộ, nhân viên Viettel tham gia học tập, với 330.000 lượt học mỗi tháng.

Cũng từ hoạt động chuyển đổi số, một điểm nổi bật khác là việc triển khai Callbot-công cụ AI tự động nhắc nhở các học viên học tập. Công cụ này đã thực hiện tự động khoảng 16.000 cuộc gọi mỗi tháng, hiệu quả đạt hơn 90%, giúp bảo đảm tiến độ và mục tiêu học tập của học viên.

Đồng thời, Học viện đã nâng cấp tính năng đăng ký, đánh giá hiệu quả đào tạo (ATM), hàng chục nghìn hành động từ các khóa học đã được ghi nhận qua ứng dụng ATM, chứng minh hiệu quả thực tiễn của đào tạo tại Viettel.

Năm 2024, Học viện đã xây dựng mô hình phòng học thông minh với công nghệ trường quay ảo, màn hình tương tác và bài giảng 3D, giúp học viên trải nghiệm học tập trực quan và linh hoạt hơn. Phòng học này tích hợp giảng viên AI, cho phép tương tác trực tiếp với học viên trong các lớp học trực tuyến và trực tiếp, nâng cao trải nghiệm học tập. Chẳng hạn, dù hai giảng viên ở cách nhau hàng nghìn cây số nhưng nhờ trường quay ảo mà có thể cùng lên lớp để giảng bài, giải đáp câu hỏi của học viên.

Với tầm nhìn của lãnh đạo Học viện Viettel, xem công nghệ số không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là mục tiêu trong việc góp phần phát triển nguồn nhân lực, Thượng tá, TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel nhận định: “Tri thức và công nghệ luôn song hành và ngày càng có mối quan hệ mang tính biện chứng sâu sắc. Do đó, những người làm công tác đào tạo của Viettel chúng tôi luôn chú trọng phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là AI trong công việc”.

Viettel đã xây dựng một mô hình học tập tiên tiến, lấy AI làm trung tâm, tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong đào tạo nhân sự. Nhờ đó, Học viện Viettel đang tiên phong theo xu hướng chuyển đổi số trong học tập, đào tạo doanh nghiệp; trở thành điểm mẫu sáng trong việc tích hợp công nghệ vào góp phần phát triển nguồn nhân lực và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Những gì người Viettel, Học viện Viettel đã làm và cống hiến cần được phát huy, nhân rộng để tư duy và cách làm về chuyển đổi số trong học tập, đào tạo tiếp tục được lan tỏa, để các đơn vị chủ động tham gia xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tổ chức của mình.

HÀM ĐAN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.