Buổi trưa lim dim/Nghìn con mắt lá/Bóng cũng nằm im/Trong vườn êm ả…”. Mới 7 giờ sáng Chủ nhật, trong căn phòng gần 30m2, lớp học của chị Dương Thị Sinh đã râm ran tiếng đọc thơ. Những chiếc bàn được xếp ngay ngắn, 25 học sinh ngồi chăm chú khoanh tay đọc bài.

Sau giờ dạy, chúng tôi gặp chị Dương Thị Sinh, dáng người nhỏ nhắn, cao chừng 1m. Chị niềm nở chia sẻ với chúng tôi câu chuyện cuộc đời mình. Dù đã trải qua không ít vất vả, khó khăn nhưng trong câu chuyện chị kể, chúng tôi cảm nhận được sự lạc quan và niềm tn vào công việc đang làm của chị. Là con út trong gia đình có 4 anh em, mới hơn 2 tuổi, chị Sinh bị viêm cơ nhưng do nhà nghèo không có tiền chạy chữa nên chân phải teo dần và ngắn hơn chân trái 25cm. Vừa nói chị vừa chỉ cho chúng tôi xem một bên chân chỉ dài khoảng 50cm, gắn đầy những chiếc đinh nẹp định hình.

leftcenterrightdel

Chị Sinh ân cần dạy chữ cho các em nhỏ trong lớp học của mình.

 

Đến tuổi đi học, chị không tránh khỏi những mặc cảm, tự ti khi bị một số bạn trêu đùa về ngoại hình. Chị Sinh nhớ lại: “Có lần vừa đi học, vừa rơi nước mắt, tôi bị bạn gọi với cái tên “kăng-gu-ru” hay “con thỏ” chỉ vì dáng đi khập khiễng, bước ba bước bằng bạn bước một bước. Dù vậy, tôi tin rằng mình vẫn còn rất may mắn, có mặt trên cuộc đời này, còn có cả niềm hạnh phúc được tới trường”. Chị Sinh đã cố gắng vươn lên trong học tập với thành tích nhiều năm học sinh giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu mến. Nhưng biết sức khỏe không cho phép cộng thêm điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chị chỉ học đến hết lớp 12.

Chấp nhận cánh cửa đại học cùng ước mơ trở thành giáo viên khép lại, chị Sinh đi làm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Chị từng đi xin việc nhiều nơi, mà không ở đâu dám nhận, họ sợ chân tay chị yếu, cơ thể lại không lành lặn. Không đầu hàng trước số phận, chị đi học thêm nghề may và nhận may, sửa chữa quần áo tại nhà. Năm 2017, sức khỏe yếu dần nên chị quyết định dừng công việc may vá. Cùng thời điểm đó trong xóm có 2 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn không thể cắp sách tới trường, chị liền nhận dạy kèm miễn phí. Đây chính là sự khởi đầu giúp chị tìm lại được ước mơ dạy học.

leftcenterrightdel

Lớp học sôi động của “cô giáo tí hon” Dương Thị Sinh. 

Lớp học nhận được sự quan tâm của bà con hàng xóm. Người dân trong thôn Thắng Trí dần quen gọi chị với cái tên thân mật “cô giáo tí hon”. Lớp học của “cô giáo tí hon” từ 2 em học sinh đến nay đã lên tới 45 em học sinh, trong đó có 10 em chậm phát triển, khuyết tật, còn lại là các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Đều đặn 7 giờ sáng mỗi ngày, lớp học của chị Sinh lại rộn rã tiếng nói cười. Một điều đặc biệt ở lớp học, các em có độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi nên trình độ nhận thức khác nhau. Bởi vậy, giáo án giảng dạy của chị cũng phải xây dựng phù hợp với từng nhóm lớp. Ngay trong một lớp, có nhiều chương trình dạy khác nhau, có em đang tập đọc, tập viết, cũng có em đã học những bài toán khó. Ngoài 3 ca dạy học, “cô giáo tí hon” còn dành thời gian nghiên cứu, nâng cao kiến thức dù không qua trường lớp sư phạm, nhưng chị luôn nỗ lực ngừng học hỏi qua các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, thậm chí là sách tâm lý của lứa tuổi học sinh để hiểu được các em hơn. Trong 7 năm qua, chị đã truyền cảm hứng học tập cho hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật thông qua việc dạy học miễn phí. Lớp học của chị Sinh được nhiều người biết tới, đã có những nhà hảo tâm giúp đỡ và ủng hộ sách, vở, đồ dùng học tập cho lớp. Trường học trên địa bàn xã cũng đã gửi đến những bộ bàn ghế để các em học sinh có điều kiện học hành tốt nhất.

Bên cạnh đó, chị Sinh còn nhận nuôi một số em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có em Hoàng Văn Khánh (14 tuổi), quê ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, em là con một trong gia đình nghèo, bố mất sớm, em theo bác lên chùa ở thôn Thắng Trí nương tựa. Đến năm 8 tuổi, em vẫn chưa được đến trường, chị Sinh thấy vậy bèn ngỏ ý đưa em về nhà nuôi dưỡng. Năm 2018, chị nhận Khánh về nuôi, dạy học cho em. Không phụ tình yêu thương và giáo dục của chị, Khánh ngoan ngoãn học tập và giúp đỡ chị những công việc trong nhà. “Chị Dương Thị Sinh là công dân tiêu biểu, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, đóng góp cho xã hội ở địa phương. Câu chuyện của chị đã lan tỏa nguồn cảm hứng tích cực cho cộng đồng” - ông Tạ Văn Viên, bí thư chi bộ thôn Thắng Trí nói.

Bài, ảnh PHƯƠNG NINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.