Đây là kết quả nghiên cứu vừa đăng trên Tạp chí Ehtology bởi các nhà khoa học đến từ Tổ chức nghiên cứu động vật biển có vú (Groupe d'Étude des Mammifères Marins - GEMM) ở Polynesie thuộc Pháp.
Theo đó, vào năm 2014, nhóm lần đầu tiên ghi được hình ảnh một con cá voi đầu dưa luôn bơi sát bên cạnh hai mẹ con cá heo mũi chai ở ngoài khơi biển Polynesia. Mặc dù rất ngạc nhiên nhưng họ chưa khẳng định ngay lập tức về sự việc kỳ lạ này.
 |
"Gia đình" cá heo đầu chai gồm cá heo mẹ, cá heo con, và cá voi đầu dưa. |
Nhận nuôi con không phổ biến ở động vật có vú trong tự nhiên. Phần lớn trường hợp xảy ra giữa các thành viên có quan hệ trong cùng loài.
Sau nhiều năm quan sát, các nhà khoa học thấy rằng con non của cá heo mẹ mất tích bí ẩn trong giai đoạn cuối năm 2015 tới đầu năm 2016. Tuy nhiên, con cá voi vẫn ở cùng cá heo mẹ và nhóm nghiên cứu nhiều lần bắt gặp “bà mẹ nuôi” chăm sóc con cá voi.
 |
Hình ảnh cá voi mẹ vẫn chăm sóc cái voi sau khi cá heo con biến mất bí ẩn. |
Theo nhà nghiên cứu Pamela Carzon, trưởng nhóm, đây là điều hết sức hiếm hoi bởi cá heo mẹ thường chỉ sinh và nuôi một con cá heo con mỗi lần.
Nhóm cũng nhận thấy cá voi đầu dưa rất hiếm khi rời khỏi mẹ nuôi của mình. Nó cư xử giống như cá heo thực sự: cạnh tranh tình yêu của mẹ với con còn lại, thường xuyên giao lưu với những con cá heo con khác, và cùng chúng bơi vọt lên trên sóng.
 |
Cá voi con còn "học theo" những con cá heo con kiểu bơi vọt lên trên sóng. |
Các nhà khoa học cho rằng, bản năng làm mẹ có thể là lý do chính để cá heo nhận nuôi một con cá voi con. Bên cạnh đó, sự thành công của mối quan hệ này còn đến từ sự kiên trì của cá heo mẹ trong việc chăm sóc cá voi con.
Sau hơn 3 năm, con cá voi đầu dưa này đã đến giai đoạn trưởng thành và tách khỏi mẹ nuôi, giống như phần lớn cá heo con khác.
Trước đó, vào năm 2006, các nhà khoa học cũng ghi nhận một trường hợp khỉ capuchin (khỉ mũ, khỉ thầy tu) nhận nuôi một con khỉ đuôi sóc.
KHÁNH NGÂN (theo Science Alert)