Hướng dẫn học sinh ôn tập

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nội dung đề thi tốt nghiệp THPT bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Vì thế, học sinh dựa theo chương trình và sử dụng sách giáo khoa là tài liệu chính để ôn tập. Trong giai đoạn ôn tập, học sinh cần được hướng dẫn và chủ động hệ thống kiến thức, nắm vững nội dung và kỹ năng trả lời câu hỏi, bài tập vận dụng các kiến thức đó theo yêu cầu của chương trình môn học.

Lưu ý các trường dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, kiểm tra cuối kỳ I năm học 2022-2023 để rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh, ông Trần Tuấn Khanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho rằng: “Các trường bố trí số tiết ôn tập trên cơ sở đề xuất của các tổ chuyên môn, nhu cầu thực tế của từng trường, nhóm học sinh, không được gây quá tải, bảo đảm sức khỏe cho các em trong quá trình ôn tập. Cùng với đó, phát huy ưu điểm của dạy và học trực tuyến. Hình thức này tập trung vào việc giao nhiệm vụ học tập, tạo không gian học sinh tự trao đổi trong quá trình học; khuyến khích giáo viên tạo ngân hàng câu hỏi cho học sinh tự rèn luyện kỹ năng làm bài".

Tránh sa đà vào các kỳ thi

Có lẽ chưa có thời điểm nào học sinh lớp 12 lại có nhiều con đường vào đại học như mùa tuyển sinh năm nay. Cùng với kỳ thi chung, còn có 10 kỳ thi riêng của các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Nhiều học sinh có tâm lý không tham gia thì sợ khó cạnh tranh với thí sinh khác, nhưng tham gia thì không biết ôn thi thế nào?

Em Lê Phương Anh, học sinh Trường THPT May (Hoàng Mai, Hà Nội) dự định sẽ tham gia thêm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời gian này, “giấc ngủ” là điều gì đó khá xa xỉ với Phương Anh. Em Phương Anh nói: “Với hai dạng bài thi, cấu trúc đề hoàn toàn khác nhau, em phải chia thời gian để ôn tập. Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, em không e ngại lắm với kỳ thi THPT nhưng kiến thức của kỳ thi đánh giá năng lực rất rộng khiến em lo lắng. Áp lực làm em khó ngủ mỗi đêm”. Cũng giống bạn cùng lớp Phương Anh, em Đào Ngọc Anh Duy còn tham gia thêm cả kỳ thi đánh giá tư duy vừa để thử sức, vừa tăng cơ hội trúng tuyển khiến áp lực “đè” lên em gấp nhiều lần.

leftcenterrightdel
    Thầy trò Trường THPT May, Hà Nội trong tiết học Toán. 

Giúp học sinh vượt qua áp lực, thầy Nguyễn Ngọc Cầu, Phó hiệu trưởng Trường THPT May cho biết: “Khối 12 có khoảng hơn 30% học sinh giỏi, mục tiêu chinh phục những trường đại học tốp đầu, 30% học sinh khá sẽ tìm đến trường tốp giữa và các em còn lại có mục tiêu hoàn thành tốt nghiệp, đi vào trường nghề. Ngay từ năm lớp 10, nhà trường đã xây dựng giáo trình tổng thể, học sinh được làm quen, học tập và có kiến thức tương đối vững chắc. Hết học kỳ I của lớp 12, mỗi tháng học sinh sẽ trải qua 1 kỳ thi như thật. Qua đó, các em biết chính xác mình đang ở vị trí nào để xác định mục tiêu cho bản thân. Với các kỳ thi riêng, trường có những định hướng đặc biệt để học sinh giỏi xây dựng mục tiêu riêng cho mình. Điều này luôn được trao đổi, thống nhất với phụ huynh, giúp các em cân đối thời gian. Giai đoạn này, ngoài học văn hóa, nhà trường rất coi trọng hoạt động thể chất, tăng thêm 2 tiết thể dục/tuần nhằm giảm căng thẳng cho học sinh”.

Đồng hành với học trò trong suốt quá trình học tập, thầy Vũ Công Tuyển, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT May cho hay: “Dù ở kỳ thi nào, học sinh cũng cần phải có vốn kiến thức nền. Điều các em cần là biết cách áp dụng kiến thức khác nhau vào bài thi. Ngoài chương trình của Bộ GD-ĐT, chúng tôi tự viết chuyên đề, cụ thể hóa mục tiêu bằng những bài tập giúp học sinh làm quen với các kỹ năng thể hiện kiến thức của mình. Ngoài ra, với điều kiện học 2 buổi/ngày, giáo viên có thể kèm cặp, tổ chức học tập cho các em ở mức cao hơn”.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, các em nên tập trung cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Nếu chọn kỳ thi riêng của các trường đại học cũng chỉ nên tham dự 1-2 kỳ thi, bởi đặc thù các kỳ thi này phục vụ xét tuyển vào nhóm lĩnh vực cụ thể.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc đa kênh đánh giá là xu hướng tiến bộ. Thông qua những kỳ thi này, các trường đại học không chỉ kiểm tra được kiến thức phổ thông của thí sinh mà còn biết được những năng lực khác. Chẳng hạn đề thi đánh giá năng lực không tập trung nhiều kiểm tra nhớ kiến thức cơ bản, mà từ những dữ kiện cung cấp, thí sinh được yêu cầu giải quyết các vấn đề đặt ra cụ thể. Thí sinh không cần luyện thi mà quan trọng là rèn luyện cho bản thân năng lực tổng hợp, tư duy kiến thức và giải quyết những vấn đề cụ thể. Thí sinh sẽ rất dễ áp lực nếu không tìm hiểu kỹ phương thức tuyển sinh, nguyên lý xét tuyển, sa đà vào đăng ký quá nhiều kỳ thi với suy nghĩ thi càng nhiều, cơ hội càng lớn. Chính tư duy này đã tạo ra cho các em áp lực phải học nhiều, ôn thi nhiều.

Bài và ảnh: THU HÀ