Xu hướng giáo dục nghe có vẻ rất “Tây” khi học sinh ngay trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông đã có cơ hội tiếp cận sớm hơn với kiến thức đại học. Việc gia tăng cơ hội học tập cho học sinh là điều tích cực, tuy nhiên có thực sự tốt cho các em và nên làm đại trà hay không lại cần phải cân nhắc.

Một nền giáo dục công bằng là nền giáo dục mở ra nhiều lựa chọn, nhiều cơ hội để mỗi học sinh có năng lực khác nhau được thỏa mãn nhu cầu phát triển của mình. Chuyện một học sinh tài năng, phát triển sớm về trí tuệ học vượt lớp, vượt cấp ở nước ngoài không còn là chuyện lạ. Các em lấy việc học làm niềm say mê, coi việc giải quyết vấn đề khó trong học tập là thử thách thú vị và cần môi trường phù hợp để phát triển... Tuy nhiên, số lượng những trí tuệ siêu việt đó đến nay vẫn chỉ là số hiếm.

 Thí sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Ảnh: TTXVN.

Mang mô hình giáo dục này áp dụng ở Việt Nam, liệu có ai dám chắc sẽ không bị biến tướng? Có một thực tế ở Việt Nam là gần như gia đình nào cũng muốn con “học sớm”, nào là đi học chữ trước khi vào lớp 1, đi học thêm trước các chương trình trên lớp... để đứa trẻ có nhiều cơ hội vượt trội và “có vẻ” giỏi hơn bạn đồng trang lứa. Chính sách học trước đó xem ra bắt đúng tâm lý muốn thành công sớm của nhiều gia đình. Nguy hiểm là nó có khả năng tạo thành trào lưu, khi đó không phải chỉ dành cho các học sinh xuất sắc. Đặc biệt, trong môi trường giáo dục, trường chuyên, lớp chọn ở Việt Nam đang bộc lộ rất nhiều vấn đề và bệnh thành tích vẫn vô cùng nan giải.

Học trường chuyên vốn đã áp lực, nay nếu các em gánh thêm kiến thức đại học thì thời gian nào để chơi, để nghỉ ngơi, để cân bằng lại cuộc sống và những kiến thức xã hội ngày càng thiếu hụt là điều thấy rõ. Con số 80% ca can thiệp tâm lý liên quan tới áp lực học hành và có tới 70% là học sinh trường chuyên, trường chất lượng cao hay số học sinh tự tử gia tăng gần đây đã nói lên tất cả.

Xem ra giữ bình tĩnh đi theo đúng nhịp độ tự nhiên lại khó đến vậy!

Tuổi trẻ đâu chỉ có học, hãy để các em có thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu thêm một ngoại ngữ, một môn thể thao yêu thích, chơi được một nhạc cụ, biết khiêu vũ... Và tuổi 18 nên khám phá một vùng đất mới, làm quen những người bạn mới. Ở nước ngoài, nhiều học sinh tốt nghiệp THPT còn nghỉ hẳn một năm đi khám phá thế giới. Đó cũng là cơ hội để các em thực sự biết mình muốn gì, rồi mới quay lại đi học đại học.

Không chỉ học tốt, vượt trội mà vội quyết định cho học trước một số môn ở bậc đại học, cần tính tới sự phát triển toàn diện, tránh quá thiên lệch về học thuật mà bỏ qua các kỹ năng quan trọng khác. Có nhiều cách để giúp học sinh có phẩm chất, năng lực thực sự được học vượt khi các em bước vào ngưỡng cửa đại học hơn là đánh đổi cả tuổi học trò để đi trước một vài bước. Bởi vậy, học trước đại học ư? Hãy cứ từ từ!

CHÍNH MINH