Những áp lực đang bủa vây học trò, khiến nhiều đứa trẻ bị trầm cảm, thậm chí chọn tự tử như một cách để giải thoát...
Áp lực từ nhiều phía
Khi nói đến sức khỏe tâm thần trong trường học, không ít người nghĩ đến vấn đề nằm ở học sinh với những rối loạn tâm lý, tự kỷ, tăng động... mà không nhận ra rằng đó là vấn đề ở cả người trưởng thành. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và không quen với việc chịu áp lực sớm như vậy.
 |
Học sinh Trường Phổ thông FPT chú trọng đến phát triển kỹ năng sống cho học sinh. |
Trong 3 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh còn phải đối mặt với vấn đề về sức khỏe, những trạng thái cảm xúc tiêu cực, mất đi người thân, thiếu người nâng đỡ, những thay đổi môi trường gây nên sự đau buồn về mặt tâm lý. Áp lực đang bủa vây các em từ nhiều phía. Cha mẹ mang áp lực công việc, xã hội về trút lên con, thầy cô trút áp lực thành tích lên học trò, áp lực từ bạn bè và áp lực để khẳng định mình từ chính các em... Những bức xúc, nỗi buồn bắt nguồn từ những thứ tưởng chừng rất nhỏ mà người lớn coi là chuyện bình thường và bỏ qua. Nhiều em cảm thấy cô độc và dằn vặt trong đớn đau.
Những vụ việc học sinh tự tử liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây như giọt nước tràn ly làm xã hội lo lắng. Nhiều cha mẹ đã hỏi con cái họ liệu cha mẹ có đang gây áp lực quá không. Câu trả lời khiến không ít phụ huynh giật mình khi nhiều em thừa nhận đã không dưới đôi lần nghĩ đến việc tự tử vì áp lực, vì buồn phiền. Nếu như thế hệ 7X, 8X có một số tờ báo như Mực Tím, Hoa Học Trò để viết thư tâm sự và nhận được những lời khuyên hữu ích, thì nay mọi giãi bày tâm lý, tình cảm của học trò được đẩy lên mạng xã hội. Đây là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Không ít những trang mạng, hội nhóm khuyến khích, thậm chí "vẽ đường" cho các em giải thoát khỏi cuộc sống một cách tiêu cực.
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có từ 8% đến 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung. Nhận định về tình trạng này, GS, TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng tình trạng trầm cảm ở học trò hiện nay khá phổ biến, khoảng 10% trẻ vị thành niên bị trầm cảm và 10% trẻ tự tử vì trầm cảm. Tại một cuộc tọa đàm gần đây về cách giúp lứa tuổi học đường vượt qua trầm cảm, nhiều chuyên gia tâm lý, sức khỏe cho rằng tuổi vị thành niên là giai đoạn thay đổi tâm lý nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống. Các em dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử, các bậc phụ huynh cần quan tâm tới con cái của mình hơn, biết lắng nghe và chia sẻ với con trẻ.
Hãy trao yêu thương cho học trò đúng cách
Với kinh nghiệm tiếp nhận nhiều bệnh nhân chuyển đến trong tình trạng tự tử, thậm chí tự tử nhiều lần, Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho hay: "Các ca bệnh được đưa tới hầu như đã rất nặng. Nhiều trường hợp trong trạng thái kích động, la hét, đập phá, tự làm tổn thương hay đánh đập người nhà. Các ca bệnh rất đa dạng về lứa tuổi, trong đó tỷ lệ trẻ em và vị thành niên tương đối cao".
Nhận biết những triệu chứng của trầm cảm đóng vai trò quyết định trong việc đưa các em trở lại với cuộc sống bình thường. Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh cho biết thêm: “Trầm cảm là một hội chứng thể hiện những năng lực tâm thần đều bị ức chế như cảm xúc, tư duy và hoạt động. Biểu hiệu là những triệu chứng như khí sắc trầm, giảm quan tâm thích thú đối với những hoạt động thường ngày, giảm năng lượng, tăng mệt mỏi. Trầm cảm được chẩn đoán với mức thời gian tối thiểu là hai tuần, có quá trình biến đổi về bệnh nguyên và bệnh sinh. Thông thường trầm cảm có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất là di truyền trong gia đình, các vấn đề biến đổi sinh hóa não. Thứ hai là tâm sinh lý liên quan đến những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Thứ ba là những nguyên nhân thứ phát sau những tổn thương liên quan đến não bộ”.
Dưới góc độ một chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cung cấp những con số giật mình. Đó là trong số 80% ca can thiệp liên quan tới áp lực học hành thì có tới 70% là học sinh trường chuyên, trường chất lượng cao.
Về áp lực học hành căng thẳng hiện nay, nhất là sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nếu tái khởi động thì các trường nên làm từ từ và có lộ trình. Chạy theo kế hoạch năm học, chạy theo các cuộc thi nhiều cơ sở giáo dục không có thời gian để khởi động lại việc học trực tiếp. Các em không có tuần đầu vui chơi, tuần sau học kỹ năng sống và sau đó học kiến thức lại bình thường. Thời điểm nhạy cảm này, có lẽ nhà trường không nên bắt một người học gấp đôi bình thường, điều này không khác gì bắt một người mới khỏi ốm phải gánh vác đồ đạc nặng.
Nhận định giáo dục cần có thành tích nhưng thành tích lành mạnh khác với chạy đua theo thành tích, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cha mẹ đừng nên tạo áp lực lớn cho con để con được phát triển khỏe mạnh, vui tươi. Thầy cô không chỉ dạy kiến thức mà tấm lòng người thầy thương yêu học sinh sẽ hình thành cho học trò sự tử tế. “Tôi đi học thi cử bao nhiêu lần không thấy áp lực mà vẫn vui, mỗi lần thi tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn. Thái độ bố mẹ, thầy cô dành tình cảm yêu thương con cái, học sinh mới là điều quan trọng”, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Những áp lực đè nặng lên học trò chỉ có thể được giải tỏa khi các em được sống, học tập và lớn lên trong môi trường giáo dục lành mạnh, có sự sẻ chia và không chạy theo thành tích. Các bậc phụ huynh, ngành giáo dục và xã hội cần lắng nghe tiếng nói của trẻ em, để các em được trao và nhận yêu thương đúng cách.
Bài và ảnh: THU HÀ