Năm 2024, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức.

Ưu điểm của kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các cơ sở giáo dục đại học nêu trên là kiểm tra, sát hạch kiến thức tương đối toàn diện; kết quả thi được đo lường trên hệ thống máy tính nên bảo đảm tính khách quan, công bằng, chính xác; qua đó góp phần đánh giá trình độ kiến thức, năng lực tư duy thực chất của thí sinh. Kết quả các kỳ thi này đã được khoảng 100 trường đại học khác lấy làm căn cứ để tuyển sinh.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa:Chinhphu.vn

Theo thông tin mới nhất, qua hai lần mở cổng đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực, đến ngày 6-3 vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có 95.000 thí sinh đăng ký thành công. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có hơn 94.000 thí sinh đăng ký suôn sẻ trong đợt 1. Đây là hai cơ sở giáo dục đại học uy tín hàng đầu đất nước nên có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất từ trước đến nay.

Theo quy định, mỗi thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội phải nộp lệ phí 500.000 đồng. Như vậy, cơ sở giáo dục này đã thu được 47 tỷ đồng lệ phí từ thí sinh. Còn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thu lệ phí của mỗi thí sinh là 300.000 đồng và tổng số tiền thu được 28 tỷ đồng.  

Việc đổi mới tuyển sinh từ các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của nhiều cơ sở giáo dục đại học là cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng đầu vào. Hiện cả nước có hơn 10 kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn thí sinh dự thi, do đó số tiền lệ phí thu được từ các kỳ thi này không hề nhỏ.

Ưu điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cảnh báo, vì “món lời” quá lớn thu được từ lệ phí dự thi của thí sinh nên rất có thể tới đây, nhiều trường sẽ đua nhau tổ chức các kỳ thi này, từ đó tạo ra áp lực lớn cho thí sinh trước thực tế “trăm hoa đua nở, trăm người đua tiếng”; đồng thời có thể gây ra những lãng phí không cần thiết cho thí sinh, phụ huynh, nói rộng ra là gây lãng phí cho xã hội.

Để không bị cuốn theo trào lưu các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đang nở rộ, đã đến lúc các thí sinh cần tỉnh táo, “liệu cơm gắp mắm”, biết khả năng thực lực của mình để lựa chọn hình thức thi tuyển đại học một cách phù hợp, tránh chạy theo tâm lý đám đông để tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy một cách tràn lan, vì nó có thể vừa gây tốn kém cho bản thân, gia đình, vừa khó đạt kết quả bởi “sức nặng” của các kỳ thi này.

MINH THÀNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.